Hình học ở bậc phổ thông: Công cụ của Ác quỷ
***
Không có thứ gì gây ức chế cho tác giả của một lời luận
tội cay độc bằng việc được chính đối tượng mình đang công kích ủng hộ
mình. Và không một con sói đội lốt cừu
nào có thể xảo quyệt, không một tên bạn bè giả tạo nào có thể gian trá hơn bộ
môn Hình học ở bậc phổ thông. Chính bởi
vì nó là nỗ lực của trường học để giới thiệu với học sinh nghệ thuật lập luận,
mới khiến nó trở nên nguy hiểm đến vậy.
|
Hiện hữu như một lĩnh vực của môn học mà ở đó, học
sinh cuối cùng cũng được tham gia vào các hoạt động tư duy toán học thực sự,
con virus này tấn công toán học đúng vào trái tim của nó, phá hủy căn cốt cơ bản
nhất của việc lập luận bằng tư duy sáng tạo, đầu độc sự yêu thích của các em về
một môn học kỳ diệu và đầy hấp dẫn, cũng như vĩnh viễn tước bỏ của các em khả
năng suy nghĩ về toán theo một cách tự nhiên và trực cảm nhất của mình.
Cơ chế đằng sau của nó rất tinh vi và xảo quyệt. Các học
sinh – nạn nhân trước hết bị tấn công và làm tê liệt bởi hàng mớ những định
nghĩa vô ích, những mệnh đề, những ký hiệu; rồi rất từ từ và cẩn thận, các em bị
cuốn ra xa dần khỏi bản tính tò mò tự nhiên, bản năng của mình về hình khối, quy
luật bởi cả một hệ thống được tạo ra để ép buộc những đức tin, và bị đẩy tới một
thứ ngôn ngữ khoa trương, tới những dạng thức nhân tạo vẫn được gọi là “cách chứng
minh”.
Thôi bỏ các ẩn dụ qua một bên; bộ môn hình học cho đến
giờ chính là thành phần có sức hủy diệt, cả về tâm lý và cảm xúc, kinh khủng nhất
của chương trình toán từ lớp 1 đến lớp 12 [1] .
Những chuyên đề Toán khác có thể chỉ giấu đi chú chim tuyệt đẹp, hoặc nhốt nó
vào trong một chiếc lồng, nhưng bộ môn Hình học thì hoàn toàn là tra tấn, trực
tiếp và tàn nhẫn. (Có vẻ như tôi không có khả năng bỏ tất cả các ẩn dụ qua một
bên).
Thứ chúng ta có ở đây là cả một hệ thống đang đục
khoét và xói mòn dần trực giác bản năng của học sinh. Một cách chứng minh, tức
một luận điểm toán học, phải là một tác phẩm hư cấu [2]
về những vấn đề tưởng tượng, là một bài thơ. Mục đích của nó là làm người viết
thỏa mãn. Một cách chứng minh tốt phải giải thích được, hơn nữa phải giải thích
một cách thật rõ ràng, sâu sắc, phải thật đơn giản mà tinh tế. Một luận điểm tốt,
một luận điểm được tạo tác tỉ mỉ phải như một hắt nước mát, một cột sáng soi đường
– nó phải làm tươi mát tâm hồn ta và khai sáng cho trí tuệ của ta. Và nó phải
thật hấp dẫn.
Chẳng có gì hấp dẫn ở thứ vẫn được gọi là “cách chứng
minh” trong bộ môn Hình học đang được dạy cả. Các học sinh được cung cấp cho một
biểu mẫu có sẵn, đầy tính giáo điều và cứng nhắc, để chúng có thể triển khai sự
“chứng minh” của mình – một thể loại biểu mẫu hoàn toàn không cần thiết và
không phù hợp cũng như việc yêu cầu những học sinh muốn trồng hoa trong vườn phải
gọi tên các cây hoa bằng danh pháp khoa học với đầy đủ giống, loài, phân chi
sinh học vậy.
Hãy thử quan sát một vài ví dụ về sự điên rồ này.
Chúng ta sẽ bắt đầu với ví dụ về hai đường thẳng cắt nhau như thế này:
Giờ thứ đầu tiên thường xảy ra là sự tự làm rối tung
tùng phèng mọi thứ lên với những biểu tượng và ký hiệu không cần thiết. Có vẻ
như một người không thể đơn giản chỉ gọi chúng là “hai đường thẳng cắt nhau”,
anh ta hoặc cô ta phải đặt tên thật tỉ mỉ cho chúng. Và cũng không phải là những
cái tên như “đường 1” hay “đường 2”, hoặc thậm chí là “a” hay “b’. Chúng ta sẽ
phải (theo lời chỉ dẫn của Hình học Phổ thông) chọn lựa trên 2 đường thẳng những
điểm ngẫu nhiên và hoàn toàn không liên quan gì tới vấn đề đang được nói tới,
và rồi gọi chúng bằng những “ký hiệu đường thẳng” đặc biệt như sau:
Nói cách khác, hai góc ở hai bên đối diện thì bằng
nhau. Thì đúng rồi chứ còn gì nữa! Hai đường thẳng cắt nhau tạo thành một kết cấu
đối xứng rồi còn gì! Và như thể chỉ thế này còn chưa đủ tệ ấy, cái mệnh đề hiển
nhiên về đường thẳng và góc này bây giờ còn cần được “chứng minh” nữa.
Thay vì một lập luận thông minh và hấp dẫn viết bởi một
con người thực sự, và được thực hiện bằng một trong hàng nghìn các ngôn ngữ tự
nhiên trên thế giới, chúng ta có thứ biểu mẫu não nề, vô hồn, quan liêu này để
viết một bài chứng minh. Chuyện bé như cái tổ mối mà làm to như cả quả núi!
Không lẽ chúng ta thực sự muốn gợi ý rằng một thứ có thể quan sát trực tiếp thấy
ngay thế này cần đến cả một đoạn dẫn giải dài dòng đến thế kia ư? Hãy thành thật
xem: vừa rồi bạn có thực sự đọc hết chỗ kia không? Dĩ nhiên là không rồi. Ai lại
muốn chứ?
Hiệu quả của một sản phẩm như vậy tạo ra từ một thứ
đơn giản đến thế kia là khiến cho người học dần nghi ngờ trực giác của bản thân.
Đặt nghi vấn kể cả từ những cái hiển nhiên nhất, bằng cách luôn khăng khăng khẳng
định rằng nó phải được “chứng minh cẩn thận” (cứ làm như mấy dòng trên đã đủ cẩn
thận để làm một bài chứng minh tiêu chuẩn ấy), chương trình học đã nói với các
học sinh: “Cảm giác và suy nghĩ của các
người đều là không đáng tin cậy. Các người cần phải nghĩ và làm theo cách của bọn
ta.”
Tất nhiên có những lúc trong toán cần phải dùng đến những
phép chứng minh thật chặt chẽ và cẩn thận, chuyện đấy không cần phải bàn cãi.
Nhưng đó không phải là lúc một học sinh mới lần đầu tiên được tiếp xúc với nghệ
thuật lập luận Toán học. Ít nhất hãy để cho người học làm quen với các đối tượng
toán học đã, và hãy xem bạn có thể kỳ vọng gì ở họ, sau đó hẵng trịnh trọng hóa
mọi thứ. Chứng minh chặt chẽ, tỉ mỉ chỉ thực sự cần thiết khi có một sự khủng
hoảng – khi bạn khám phá ra rằng vật thể tưởng tượng của bạn hành xử ngược với
cách bạn mong đợi, khi có một nghịch lý xuất hiện ở đâu đó. Nhưng giữ vệ sinh một
cách tuyệt đối cực đoan thế là hoàn toàn không cần thiết ở đây – chưa có ai bị
bệnh lúc này cả! Tất nhiên khi có một cuộc khủng hoảng logic xảy ra vào một lúc
nào đấy, nó nên được điều tra kỹ lưỡng, và lập luận lúc ấy cần phải chắc chắn,
chính xác hơn; nhưng một quy trình như thế vẫn có thể được triển khai theo một
cách ít trang trọng và nhiều trực giác hơn. Trên thực tế, cốt lõi của Toán học
là ở việc một người chứng minh một mệnh đề như vậy bằng cách những chứng minh của
riêng anh ta kìa.
Vậy nên không chỉ hầu hết trẻ em đều lúng túng trước
cung cách mô phạm quá cực đoan này – không có gì khó hiểu bằng việc phải đi chứng
minh một thứ hiển nhiên – mà kể cả số ít các em học sinh mà trực giác chưa bị ảnh
hưởng, sau đó cũng phải đi phiên dịch ngược trở lại những ý tưởng tuyệt vời,
tuyệt đẹp của các em thành thứ chữ tượng hình ngớ ngẩn kia để được các giáo
viên chấm cho là “đúng”. Người giáo viên đó sau đó sẽ tự khen ngợi bản thân rằng
anh ta, theo một cách nào đó, đã giúp mài sắc thêm tư duy lý luận cho học sinh.
Với một ví dụ nghiêm túc hơn, hãy cùng thử nhìn vào
trường hợp một hình tam giác bên trong một hình bán nguyệt như ở dưới đây xem:
Giờ, có một quy luật rất đẹp ở đây là bất kể cái đỉnh
trên cùng của tam giác này chạy có đến chỗ nào trên đường tròn đi chăng nữa, nó
vẫn tạo với hai điểm kia một góc vuông rất đẹp (tôi không có vấn đề gì hết với
việc dùng một thuật ngữ như “góc vuông”, nếu nó liên quan trực tiếp tới vấn đề
và giúp tôi dễ thảo luận hơn. Thứ tôi phản đối không phải là bản thân các thuật
ngữ, mà là ở việc dùng quá nhiều thuật ngữ khi hoàn toàn không cần thiết. Và
tôi cũng luôn sẵn lòng dùng những từ như “góc nhà” hay thậm chí “chuồng lợn” nếu
các học sinh thích dùng chúng hơn “góc vuông”.)
Đây là một ví dụ mà ở đó chúng ta phải đôi chút nghi
ngờ lại trực giác của chính mình. Có vẻ điều này chưa hẳn hoàn toàn đã đúng; thậm
chí là khó có thể xảy ra – đúng ra tam giác sẽ phải thay đổi nếu tôi chuyển dịch
vị trí của đỉnh chứ? Thứ chúng ta có ở đây chính là một vấn đề toán học vô cùng
thú vị! Nó có thật đúng không? Nếu có, thì tại sao nó lại đúng? Đúng là một
công trình tuyệt vời! Đúng là một cơ hội quá hoàn hảo để rèn luyện tính sáng tạo
và khả năng tưởng tượng của học sinh! Nhưng tất nhiên là chẳng có học sinh nào
được trao những cơ hội thế này hết, trí tò mò và sự ham thích của các em luôn
luôn ngay lập tức bị xì cho xẹp lép bởi một thứ thế này đây:

Liệu có thứ gì xấu xí và thiếu hấp dẫn đến thế không?
Có loại luận điểm nào lại ngu muội và khó đọc thế này không? Đây đâu phải là
toán! Một bài chứng minh phải là một lễ đản sinh của những vị thần, đâu phải là
một bức điện được mã hóa bởi Lầu Năm Góc! Đây chính là sản phẩm của một thứ tư
duy logic khắt khe đến cực đoan: sự xấu
xí. Tinh thần của luận điểm đã bị chôn vùi dưới hàng đống hỗn loạn những luật
lệ và quy tắc nặng hình thức rồi.
Không một nhà toán học nào làm việc theo kiểu này cả. Chưa từng có một nhà toán học nào làm việc
theo kiểu này cả. Đây là một cách hiểu vô cùng sai lệch, hoàn toàn sai lệch về
ngành toán. Toán học không phải là về việc dựng lên những hàng rào để bảo vệ
chúng ta khỏi trực giác, hay làm những thứ đơn giản trở nên phức tạp hơn. Toán
học là về việc gỡ bỏ tất cả những vật chướng ngại giữa ta và trực giác, và giữ
cho những thứ đơn giản được đơn giản kìa.
Các bạn hãy thử so sánh đống hổ lốn khó đọc được gọi
là “cách chứng minh” ở trên kia với lập luận dưới đây, viết bởi một em học sinh
lớp 7 của tôi mà xem
Có dễ chịu không? Và điều cốt yếu ở đây không phải là
cách lập luận nào tốt hơn trong hai cái, mà là ở ý tưởng, ở việc ý tưởng đã chạm
đến được vấn đề như thế nào kìa. (Và nói thật, ý tưởng của lập luận đầu tiên thực
ra cũng rất đẹp, có điều khi đọc ta như phải nhìn nó qua một cặp kính đen u ám
vậy.)
Nhưng phải nói thật, tôi đã phải biên tập lại lời chứng
minh trên khá nhiều. Lời chứng minh gốc có hơi phức tạp hơn một chút, và dùng
hơi quá nhiều từ không cần thiết (cũng như các lỗi chính tả và ngữ pháp). Nhưng
tôi đã thấy được tinh thần của luận điểm truyền qua mình. Và những lỗi nhỏ này
cũng là điều tốt cả; nó giúp cho người thầy giáo như tôi có việc để làm. Tôi đã
có thể chỉ ra một vài lỗi về cách viết và logic, và em học sinh này đã có thể lập
luận được một cách tốt hơn. Ví dụ, tôi không thực sự hài lòng lắm với luận điểm
cả hai đường chéo đều là đường kính của đường tròn – tôi không nghĩ đây là một
điều quá hiển nhiên – nhưng thế chỉ có nghĩa là có thêm nhiều thứ để nghĩ về và
nhiều hiểu biết để em có thể gặt hái được từ tình huống mà thôi. Và trên thực tế,
em học sinh đó đã có thể sửa lại nó một cách khá đẹp như thế này:
“Bởi tam giác đã được quay
đúng nửa vòng, thế nên đỉnh của tam giác chắc chắn sẽ rơi đúng vào vị trí đối
diện với vị trí ban đầu của nó. Bởi vậy đường chéo thứ hai của hình hộp này
cũng là một đường kính của hình tròn.”
Thật là một công trình tuyệt vời và một vấn đề toán học
tuyệt đẹp. Tôi không chắc ai là người tự hào hơn nữa, em học sinh hay tôi. Đây
chính xác là thứ trải nghiệm tôi muốn các em học sinh của mình có trong những
giờ học toán.
Vấn đề với chương trình hình học hiện nay là những trải
nghiệm riêng tư, cá nhân của một nghệ sĩ trăn trở với vấn đề của mình đã hầu
như bị xóa bỏ. Nghệ thuật chứng minh đã bị thay thế bằng những quy trình bước-từng-bước
khô khan, cứng nhắc, chỉ toàn thuần túy suy luận. Các sách giáo khoa giới thiệu
hàng bộ những định nghĩa, định lý và cách chứng minh; các giáo viên chép lại
chúng lên bảng, và các học sinh lại chép lại chúng vào vở ghi. Sau đó các em được
yêu cầu phải bắt chước lại chúng vào trong bài tập. Những em bắt kịp với quy
trình này nhanh hơn sẽ được coi là “giỏi” toán.
Hậu quả là học sinh trở thành một đối tượng tiếp nhận
thụ động trong quá trình sáng tạo. Học sinh viết lập luận để khớp với quy trình
chứng minh đã có từ trước, chứ không phải vì tự các em muốn thế. Các em được huấn luyện để bắt chước thao tác lập luận mẫu,
chứ không phải tự mình lập luận theo ý định
của các em. Vậy nên các học sinh không chỉ không hiểu giáo viên đang nói
cái gì, các em còn không hiểu nổi chính
mình đang nói gì nữa kia.
Kể cả cách truyền thống mà theo đó định nghĩa được giới
thiệu cũng là một lời nói dối. Trong một cố gắng để tạo sự “rõ ràng” trước khi
lao vào cơn lũ ào ạt của mệnh đề và định lý, một loạt các định nghĩa được cung
cấp để những luận điểm và lập luận sau này có thể được viết ngắn gọn và súc
tích đến hết mức có thể. Nhìn qua thì thấy đây là một phương pháp chẳng có hại
gì cho ai; tại sao không viết tắt vài chỗ đi để mọi thứ nói ra được kinh tế
hơn? Nhưng vấn đề là ở chỗ các định
nghĩa không vô hại, chúng có ảnh hưởng rất
lớn tới việc học. Định nghĩa đến từ những quyết định thẩm mỹ khi người nghệ
sĩ thấy đã đến lúc cần phải có một sự phân biệt rõ ràng. Và chúng là sản phẩm tạo ra từ những vấn đề. Viết một định
nghĩa tức là tô đậm và nhấn mạnh vào một đặc điểm hay tính chất nào đấy của đối
tượng. Lịch sử đã chứng minh rằng công việc này đến từ quá trình giải quyết một
vấn đề, chứ không phải từ việc phục vụ như một khúc dạo đầu cho nó.
Điều quan trọng cần phải nhớ là bạn không bắt đầu từ định
nghĩa, bạn bắt đầu từ vấn đề. Chưa một ai có ý nghĩ về việc một số có “vô tỷ”
hay không cho đến khi Pythagoras thử đo độ dài đường chéo của một hình vuông,
và phát hiện ra rằng số đo đó không thể viết được dưới dạng phân số. Định nghĩa
chỉ có lý khi bạn chạm đến một điểm nào đó trong lập luận mà khi đó cần thiết
phải có một sự phân biệt rõ ràng. Nếu cứ nêu định nghĩa mà không nêu rõ lý do tồn
tại của nó thì chỉ càng làm cho vấn đề thêm
khó hiểu mà thôi.
Đây lại là một ví dụ nữa cho thấy cách học sinh bị che
chắn và cách ly khỏi quá trình tư duy toán học thực sự. Học sinh cần phải có khả
năng tạo ra những định nghĩa của riêng mình khi cần thiết – để tự mình tạo ra
những cuộc tranh luận. Tôi không muốn các em học sinh nói “định nghĩa đó, định
lý đó, cách chứng minh đó”; tôi muốn nghe các em nói “định nghĩa của em, định
lý của em, cách chứng minh của em” kia.
Tạm thôi không bàn đến những lời phàn nàn này nữa, vấn
đề thực sự với kiểu trình bày thế này vẫn là nó rất chán. Tính hiệu quả và kinh tế thôi vẫn chưa đủ để làm nên một
phương pháp sư phạm hiệu quả. Tôi thấy rất khó để tin rằng Euclid sẽ tán đồng
phương pháp kiểu này; tôi biết chắc là Archimedes sẽ phản đối.
SIMPLICIO:
Nào nào, đợi một chút đã. Tôi không biết anh thế nào, nhưng trước giờ
tôi vẫn luôn rất thích những tiết
hình học thời phổ thông. Tôi thích những kết cấu, và tôi thích cả việc chứng
minh theo những biểu mẫu cứng nhắc nữa.
SALVIATI: Tôi
chắc chắn là anh đã rất thích. Anh có lẽ thậm chí còn thỉnh thoảng được giải
quyết những vấn đề rất đẹp nữa kìa. Rất nhiều người vẫn yêu thích các lớp Hinh
học (mặc dù số người ghét nó vẫn đông hơn gấp bội). Nhưng đây không phải là một
điểm cộng cho chế độ dạy học hiện nay. Nói đúng hơn, đây thậm chí còn là một bằng
chứng mạnh mẽ chứng minh cho sự hấp dẫn của toán học thực sự nữa. Để phá hủy
hoàn toàn một thứ tuyệt đẹp đến nhường vậy là công việc rất khó; và thậm chí chỉ
một cái bóng mờ nhạt của Toán học thực sự thôi cũng đã đủ để khiến môn học hấp
dẫn và lôi cuốn đến nhường vậy. Rất nhiều người cũng thích môn Vẽ-theo-số nữa;
nó là một hoạt động thư giãn nhẹ nhàng và đầy màu sắc. Nhưng chỉ với thế thì nó
vẫn không bì được với nghệ thuật thực sự đâu.
SIMPLICIO: Nhưng tôi đã nói với anh mà, tôi đã rất thích chúng.
SALVIATI: Và nếu anh đã có một trải nghiệm toán học tự
nhiên thực sự, anh sẽ còn thích chúng nhiều hơn nữa kia.
SIMPLICIO: Vậy
ý anh là chúng ta chỉ cần cứ khởi hành trong một hành trình khám phá môn Toán,
và các học sinh sẽ tự học bất cứ thứ gì chúng tình cờ học được ư?
SALVIATI:
Chính xác. Vấn đề sẽ dẫn tới những vấn đề khác, kỹ thuật sẽ bắt đầu dần
tự phát triển khi nó trở nên cần thiết, và những chủ đề toán học mới cũng sẽ tự
nhiên xuất hiện thôi. Và nếu không có vấn đề gì nảy sinh trong suốt 13 năm học ở
trường, vậy thì nó có gì quan trọng hay thú vị gì đâu chứ?
SIMPLICIO:
Anh hoàn toàn điên mất rồi.
SALVIATI: Có
lẽ tôi điên thật. Nhưng kể cả với những
cách làm truyền thống, một giáo viên giỏi vẫn có thể dẫn dắt cuộc thảo luận và
dòng chảy của các vấn đề để các em học sinh có thể tự khám phá và sáng tạo ra
toán học cho riêng minh. Vấn đề thực sự là ở chỗ bộ máy giáo dục quan liêu sẽ
không cho phép một giáo viên có thể làm thế. Với một loạt các chương trình học
phải tuân thủ, một giáo viên sẽ không thể đóng vai trò lãnh đạo. Đúng ra không
nên có tiêu chuẩn, không nên có chương trình gì hết. Chỉ có những cá nhân làm
điều họ cho là tốt nhất với học sinh của mình mà thôi.
SIMPLICIO: Nhưng
nếu thế thì làm thế nào nhà trường có thể đảm bảo các học sinh của mình sẽ có
cùng một số kiến thức cơ bản nhất định? Làm thế nào chúng ta có thể đo đạc
chính xác được giá trị kiến thức mà chúng thu được?
SALVIATI: Nhà
trường sẽ không làm được, và chúng ta cũng sẽ không đo đạc được gì hết. Cũng
như trong cuộc sống thực vậy. Cuối cùng thì bạn cũng sẽ phải chấp nhận rằng tất
cả mọi người đều khác biệt, và điều đó là hoàn toàn không sao hết. Thì kể cả một
người tốt nghiệp cấp III ra mà không biết về công thức góc chia đôi trong lượng
giác (mà cứ làm như học như bây giờ thì chúng nhớ được sau này ấy), thế thì
sao? Ít nhất người đó cũng sẽ ra khỏi trường với một vài hình dung tối thiểu về
việc mục đích thực sự của môn học là gì, và sẽ được chứng kiến những thứ đẹp
tuyệt vời trong những giờ học toán.
Kết luận....
Để điểm một dấu chấm cuối cùng cho bài phê phán của tôi
về chương trình học tiêu chuẩn hóa hiện tại, và như một nghĩa vụ với cộng đồng,
giờ tôi xin được giới thiệu bản catalog đầu tiên, hoàn toàn trung thực và đầy đủ nhất, về chương trình toán học từ lớp
1 đến lớp 12 của chúng ta:
CHƯƠNG TRÌNH TOÁN HỌC PHỔ
THÔNG TIÊU CHUẨN:
TOÁN Ở BẬC TIỂU HỌC: Quá trình ép buộc đức tin bắt đầu.
Các học sinh sẽ được học rằng toán không phải là một thứ bạn phải làm, mà là một
thứ được làm sẵn cho bạn. Trọng tâm nhấn mạnh là ở việc học là ở việc ngồi yên,
điền kín những tờ phiếu bài tập, và làm theo những chỉ dẫn. Các học sinh được kỳ
vọng là sẽ làm chủ được hệ thống các thuật toán phức tạp để có thể thao túng một
loạt các biểu tượng tiếng Hindi kỳ bí, hoàn toàn không có liên quan tới đam mê
và trí tò mò từ phía các em, và đề cập đến toán học trong một vài thế kỷ gần
đây như là những thứ quá khó so với cả một người lớn trung bình. Bảng cửu
chương được đặc biệt nhấn mạnh; các giảo viên, phụ huynh và cả chính học sinh đều
vô cùng căng thẳng, lo lắng.
TOÁN Ở BẬC TRUNG HỌC: Học sinh được dạy phải nhìn nhận
Toán như một loạt các quy trình, không khác mấy các nghi thức tôn giáo, luôn
vĩnh hằng và không thay đổi, được khắc mãi nghìn năm vào bia đá. Những phiến đá
thiêng liêng này, hay còn gọi là các “Sách giáo khoa Toán”, sẽ được phát tận từng
tay mỗi em; và các học sinh sẽ được dạy phải gọi các bậc huynh trưởng trong
giáo đạo của mình là “họ” (trong những câu như “Họ muốn mình làm gì ở đây? Họ
muốn mình chia phép tính này xuống à?”). Những “vấn đề” sắp đặt và nhân tạo sẽ
được giới thiệu để khiến thứ toán học vất vả cực nhọc trông có vẻ dễ chịu hơn.
Học sinh sẽ bị kiểm tra một danh sách dài những thuật ngữ chuyên ngành không cần
thiết, ví dụ như “số tự nhiên” hay “phân số”, mà hoàn toàn không có một cơ sở hợp
lý nào cho việc cần phải có mớ định nghĩa đó. Một sự chuẩn bị hoàn hảo cho môn
Đại Số 1.
ĐẠI SỐ I: Để không phí thời gian suy nghĩ về những con
số và các quy tắc của chúng, khóa học này thay vào đó tập trung vào các biểu tượng
và những kỹ thuật cần có để thao túng chúng. Nghệ thuật dẫn chuyện uyển chuyển
phát triển bởi những người Lưỡng Hà cổ đại cho tới kỹ thuật của những nhà đại số
học thời Phục Hưng, tất cả đều bị dẹp sang một bên, nhường chỗ cho thứ phong
cách kể chuyện chống lại chủ nghĩa hiện đại nhàm chán và rời rạc, không có chủ
đề, không có cốt truyện, không có nội dung. Việc luôn khăng khăng bắt buộc rằng
tất cả các con số và cách diễn đạt đều phải được trình bày theo đúng những mẫu
chuẩn có sẵn sẽ tạo thêm nhiều rắc rối cho ý nghĩa về đặc tính và đẳng tính của
đối tượng. Các học sinh cũng phải học thêm cả các công thức về phương trình bậc
hai nữa, vì một lý do bí ẩn nào đấy.
HÌNH HỌC: Tách biệt và xa rời hẳn so với các phân môn còn
lại của chương trình, khóa học này sẽ mớm cho học sinh hy vọng được tham gia
vào những hoạt động toán học có ý nghĩa, và sau đó là hoàn toàn dập tắt chúng. Những
biểu tượng, ký hiệu phức tạp, khiến người ta mất tập trung sẽ được giới thiệu, và
họ sẽ không chừa một cách nào để khiến việc đơn giản trở thành phức tạp hơn. Mục
tiêu của khóa học này là để quét sạch tất cả những tàn dư gì còn lại của trực
giác toán học trong học sinh, và để dọn đường chuẩn bị cho bộ môn Hình học II.
ĐẠI SỐ II: Đối
tượng nhắm đến của khóa học này vẫn là cách học không có cơ sở cũng như hoàn
toàn không phù hợp của bộ môn Hình học. Tiết diện hình nón được giới thiệu, trong
một kết cấu được vận hành để tránh tất cả những sự đơn giản thẩm mỹ nhất của
hình nón và những tiết diện của chúng. Học sinh sẽ được học cách viết lại
phương trình bậc hai dưới nhiều dạng thức khác nhau theo tiêu chuẩn, hoàn toàn
chẳng vì lý do gì hết. Số mũ và logarit cũng sẽ được giới thiệu trong chương
trình Đại Số II, bất chấp việc chúng không phải là đối tượng của bộ môn Đại Số,
đơn giản bởi vì chúng cần phải được nhét vào đâu đó, có vẻ thế. Tên của khóa học
được chọn để tăng tính thuyết phục cho “Hiệu ứng cái thang”. Tại sao Hình học lại
bị nhét vào giữa Đại Số I và II vẫn còn là một bí ẩn không ai giải thích nổi.
HÌNH HỌC TAM GIÁC: Hai tuần kiến thức sẽ được kéo dài
ra đủ thời lượng của một học kỳ bằng cách trì hoãn với hàng đống những định
nghĩa không cần thiết. Những hiện tượng thực sự thú vị và hấp dẫn, như cách các
cạnh của tam giác phụ thuộc vào số đo các góc của nó, được nhấn mạnh ngang bằng
với những cách viết tắt không liên quan và phương pháp truyền thống lỗi thời nặng
về biểu tượng; để ngăn cản các học sinh có một cái nhìn rõ ràng đôi chút về nội
dung thực sự của môn học. Học sinh sẽ được học những bài vần vè ngớ ngẩn để nhớ
các công thức và định nghĩa, thay vì phát triển một trực giác tự nhiên về
phương hướng và tính đối xứng của chính mình. Các cách đo đạc tam giác sẽ được
bàn đến mà không hề nhắc gì tới bản tính tự nhiên siêu việt của các tam giác,
hay những hệ quả ngôn ngữ và vấn đề triết học khi làm những phép đo đạc như vậy.
Máy tính bỏ túi được yêu cầu sử dụng, như thể để làm mù mờ thêm những vấn đề đã
khó thấy sẵn rồi.
TIỀN – GIẢI TÍCH: Một món súp hỗn độn và vô nghĩa lý của
hàng đống các chủ điểm rời rạc. Hầu hết là các cố gắng nửa vời để đưa những
phương pháp đánh giá từ cuối thế kỷ 19 vào một bối cảnh mà chúng không hề cần
thiết hay hữu ích gì hết. Những định nghĩa chuyên ngành như “giới hạn” hay
“tính liên tục” được giới thiệu để làm phức tạp thêm mọi vấn đề. Và như cái tên
đã gợi ý, đây là môn học để chuẩn bị cho bộ môn Giải tích, nơi mà giai đoạn cuối
cùng của sự hổ lốn hóa tất cả những ý tưởng tự nhiên liên quan đến hình khối
hay chuyển động sẽ hoàn toàn hoàn thiện.
GIẢI TÍCH: Bộ môn này sẽ khám phá toán học của chuyển
động, và cách tốt nhất để làm thế là chôn vùi nó dưới một núi những công thức
và định nghĩa không cần thiết. Mặc dầu là lần đầu tiên các học sinh được giới
thiệu với vi phân và tích phân, nhưng những ý tưởng đơn giản mà sâu sắc của Newton
và Leibniz sẽ bị dẹp bỏ để nhường chỗ cho cách tiếp cận dựa vào hàm số, tân tiến
và phức tạp hơn, những phép toán được thiết kế ra để đối phó với những cuộc khủng
hoảng cao cấp của toán giải tích mà rõ ràng không hề áp dụng gì ở đây, nhưng tất
nhiên điều đó sẽ không được nhắc tới. Chỉ để sau này các em sẽ lại học lại
chúng một lần nữa ở đại học, vẫn đúng y từng chữ, từng dòng như thế.
* * *
Vậy đấy, tất cả của bạn đấy. Một đơn thuốc để vĩnh viễn
phá hủy tư duy của những người trẻ – một liều thuốc chữa trị vô cùng hiệu quả
cho trí tò mò của từng học sinh. Họ đã biến toán học thành thứ kinh khủng gì thế
này!?
Có một sự sâu sắc đến ngoạn mục và một vẻ đẹp đến
choáng ngợp ở loại hình nghệ thuật cổ xưa này. Thật mỉa mai biết bao khi người
ta lại bỏ qua toán học như thể nó là thứ đối nghịch hoàn toàn với sự sáng tạo.
Họ đang bỏ qua một loại hình nghệ thuật còn cổ xưa hơn bất kỳ quyển sách nào,
sâu sắc hơn bất kỳ bài thơ nào, và trừu tượng hơn bất cứ thứ trừu tượng nào. Và
chính trường học là thủ phạm đã gây ra tất cả những điều này! Thật là một vòng luẩn quẩn đáng buồn đến bao,
khi hàng ngày biết bao giáo viên ngây thơ vẫn tiếp tục đầu độc những thế hệ học
trò ngây thơ. Tất cả đã có thể vui hơn biết bao, nếu...
SIMPLICIO: Được
rồi, tôi hoàn toàn tuyệt vọng rồi. Giờ sao đây?
SALVIATI: Ừm,
tôi nghĩ mình vừa có một ý tưởng về một khối hình kim tự tháp trong một cái hộp
vuông...
[1] K-12 ("K to Twelve") là hệ thống giáo dục phổ thông được áp dụng tại một số
nước như Hoa Kỳ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Australia. Cái tên này là
cách viết tắt của Lớp mẫu giáo - Kindergarten
(K) cho các em từ 4-6 tuổi và Lớp 12 (12) cho các em 18-19 tuổi, lần
lượt là các cấp độ học đầu tiên và cuối cùng của học sinh trong chương trình học
tại các nước trên. Về cơ bản, chương trình K-12 rất giống với chương trình giáo
dục phổ thông hệ 12 năm của Việt Nam. ( Wikipedia )
[2] Hư cấu
(fiction) hiểu theo nghĩa: viết, miêu tả
và đề cập đến những vấn đề ảo, những vấn đề chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng
và được sáng tạo ra, chứ không hề hoặc không hoàn toàn có thật.
Người dịch: Nguyễn Tiến Đạt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét