Rss Feed




  1. Michel Foucault là một triết gia quan trọng và đáng kể của triết học thế kỉ 20. Điều này dường như vẫn đúng khi chúng ta bước sang những thập niên đầu tiên của thế kỉ 21. Sức quyến rũ của ông nằm trong các trước tác đầy tính khiêu khích mời gọi cuộc chất vấn lương thức mạnh mẽ. Có chăng vì lẽ nổi tiếng, vì lẽ quan trọng, vì lẽ Foucault cứ được nhắc đến như thể chiếc vé thông hành (diễn) vào một số nói năng học thuật ..v..v..v.. mà chúng tôi đi đến dịch cuốn “Dẫn nhập M.Foucault” của Lynn Fendler? Mọi thứ đều có thể…nhưng đôi điều khác chúng tôi có vẻ muốn đề cập đến hơn hòng đưa lại cho hoạt động của mình một tồn tại riêng: “Dẫn nhập Foucault” trước hết là một thực hành “Dịch” của một nhóm những con người quyến luyến chữ nghĩa nhau, muốn dịch chuyển giữa đôi bờ ngôn ngữ …Chúng tôi ứng xử với các bản dịch không hẳn chỉ là sự chú mục vào độ thành thạo, điêu luyện của hoạt động chuyển ngữ mà nhiều hơn là hi vọng/ trân trọng cuộc gặp gỡ với những hữu thể nói năng đang cất mình trong không gian/ tình huống chữ nghĩa đặc biệt, nơi phơi trải cơn cuộc cơ bản của triết học: sự đến với tồn tại của một hữu thể. Cái gì đến với tồn tại trong thế giới cũng đối diện với điều này: loại bỏ - thừa nhận, mới – cũ, hệ thống – khác..v..v..v… Vì thế chúng tôi tôn trọng những phẩm chất cơ bản của việc dịch liên quan đến độ chính xác, trung thành với văn bản gốc nhưng cũng chơi cùng các khoảnh khắc khi thay vì chính xác, trung thành, chúng ta được chứng kiến sự vênh lệch hứa hẹn khả năng thách thức

    Và điều cuối cùng, tác giả cuốn dẫn nhập đã để ý đến người đọc của mình trong lối viết giản dị những điều phức tạp, tạo ra không gian rộng rãi cho lối đến với triết học Foucault. Như người bạn đã giới thiệu cho tôi cuốn sách kể, Lynn Fendler có kinh nghiệm khoảng 20 năm dạy tiếng Anh cho người nước ngoài và là một giáo sư triết học luôn muốn khiêu khích; một trong những điều bà theo đuổi đó là: chống lại giả định phân cấp khả năng đến với tri thức….
    Ngô Thanh





    Chương 1:  
    Foucault và thế giới của ông
    "Chắc chắn việc học có thể trở thành một hoạt động cực kỳ gợi cảm, cực kỳ khoái lạc của con người. Với tôi, việc một giáo viên không thể khiến học sinh nhận ra điều này, việc anh ta vô hình chung có thể khiến việc học trở nên khó chịu, chán ngắt, buồn tẻ và thiếu hấp dẫn đến thế, đấy quả thực là một kỳ tích."
    (Foucault 1975a, trang 136)
    Câu nói trên trích từ một bài phỏng vấn trên đài truyền thanh của Michel Foucault năm 1974. Chỉ từ một đoạn trích ngắn này thôi, chúng ta đã có thể thấy ngay Foucault là một nhà tư tưởng có xu hướng khiêu khích. Sự khiêu khích ở đây nằm ở chỗ Foucault thách thức chúng ta hình dung về việc dạy và học theo một cách hoàn toàn mới lạ. Chúng ta thông thường vẫn thấy học tập như một công việc nhạt nhẽo và buồn tẻ. Chúng ta thậm chí còn mặc nhiên thừa nhận rằng trường học là một thứ vô cùng đáng chán. Thế nhưng, ở đây, Foucault lại khiêu khích chúng ta suy nghĩ rằng quả thật “là một kỳ tích” khi một giáo viên có thể khiến việc học trở nên đáng chán. Thật đáng kinh ngạc biết bao khi một việc như học có thể bị làm cho trở nên thiếu thú vị! Chúng ta được khiêu khích để phải kinh ngạc: Làm thế nào một thứ hấp dẫn đến khó tin như học tập có thể bị biến thành một thứ kém thú vị và tẻ nhạt, đáng chán đến thế kia chứ?
    Đây là một đoạn trích khác trong bài phỏng vấn:
    Nếu anh muốn giữ cho số người được tiếp cận với việc học ở mức tối thiểu, anh phải khiến học tập trông như một thứ thật khó chịu, và thuyết phục tất cả mọi người đi học để đạt được những thứ thời thượng trong xã hội, như là khả năng cạnh tranh tốt hay những công việc có thu nhập thật cao đang đợi họ ở vạch đích phía trước.
    (Foucault 1975a, trang 136)
    Đoạn trích trên cho thấy thái độ của Foucault khi phê phán về chính trị. Ở đây ông tỏ ra khôi hài, bông lơn khi phê phán cung cách của xã hội chúng ta, trong việc chúng ta trân trọng tiền bạc và địa vị như thể chúng đáng giá hơn cả việc học. Foucault gọi phương pháp tiếp cận vấn đề này của ông là problematization, một phong cách phê bình nhắm đến đối tượng là những giới hạn chúng ta mặc nhiên chấp nhận, và đặt câu hỏi tại sao có một số cách sống bị coi là khó hiểu và không thể chấp nhận, trong khi một số cách sống khác lại được coi là hoàn toàn bình thường và hợp lý.
    Cuộc phỏng vấn nối tiếp như sau:
    Chúng ta cần phải tìm hiểu rõ xem tại sao xã hội ta lại coi việc khiến học tập trở nên buồn chán là một hoạt động quan trọng đến thế; có lẽ là do có một số lượng nhất định những người cần bị ngăn cản tới với việc học tập chân chính. Hãy thử tưởng tượng sẽ thế nào nếu một ngày mọi người ai cũng điên lên vì học như cách họ điên lên vì sex mà xem. Họ xẽ dẫm đạp lên nhau để kéo đến trường học. Một ngày như thế chắc chắn sẽ là cả một thảm họa cho cả xã hội cho mà xem!
    (Foucault 1975a, trang 136)
    Đoạn trích trên dùng một thứ ngôn ngữ thi vị để khơi gợi những hình ảnh trong trí tưởng tượng của chúng ta: Hãy thử hình dung một trường học. Giờ hãy thử hình dung một ngày ai cũng hứng thú với việc học đến mức họ sẽ “dẫm đạp lên nhau” để đến trường.
    Khi đọc đến đây, ta nhận ra một đặc tính thứ ba trong triết học của Foucault, cụ thể là tính thi vị của nó. Bên cạnh việc khiêu khích và thách thức hiểu biết của chúng ta, và tập trung vào problematization (lật ngược và nhìn nhận lại tất cả những thứ chúng ta vẫn coi là quen thuộc và mặc nhiên chấp nhận) [1] , Foucault còn dùng ngôn ngữ đã được thi vị hóa để diễn đạt những triết lý của ông. Tính thi vị hiện ra ở giọng điệu sâu sắc, thấm thía khi ông nói về việc học; và trong cách khôi hài ông dùng để so sách việc học với sex. Thi vị ở đây không phải nói đến sự nhẹ nhàng hay vô tư, phù phiếm; triết luận của Foucault thực sự rât sâu sắc, uyên bác, và chặt chẽ vô cùng. Tuy nhiên, triết luận của ông không phải chỉ để miêu tả hay chứng minh. Ông còn viết để khiến người đọc thấy vui thích. Cũng như những tuyệt tác văn học, ngôn ngữ của ông thường bao gồm cả những lời nhận xét dí dỏm, những ứng đáp hài hước và mau lẹ, những cách chơi chữ, và hơn tất cả, là sự mỉa mai châm biếm. Phương diện thi vị mỉa mai này trong những tác phẩm của Foucault là một phần căn cốt cơ bản trong triết luận của ông, và nếu bạn khước từ phần thi vị này, bạn sẽ chỉ còn lại một hiểu biết thiếu hoàn thiện về những công trình của ông.
    Để có thể trân trọng đúng triết học của Foucault, sẽ là một lợi thế lớn nếu bạn có một trí tưởng tượng phong phú. Nếu bạn vận dụng tốt được trí tưởng tượng của mình khi đọc các tác phẩm của Foucault, bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn tác phẩm đó của ông. Trong suốt những công trình của Foucault, bạn sẽ thấy những miêu tả về đủ các loại khung cảnh, đôi lúc bông đùa (như đoạn nói trên về khung cảnh trường học chẳng hạn); đôi lúc đầy khoái cảm, đôi lúc lại đáng kinh sợ vô cùng. Bạn cũng sẽ tìm thấy sự hài hước, sự mỉa mai, cách nói bóng gió ám chỉ, và cả những vẻ đẹp. Và quan trọng hơn hết, nếu bạn chỉ hiểu thuần túy theo nghĩa đen những điều Foucault nói, mà không nhận ra chiều không gian tưởng tượng và thi vị trong những lời của ông, bạn sẽ bỏ lỡ mất đi một cơ hội để được đọc vì sự vui thích.
    Khi đọc các tác phẩm của Foucault, bạn chắc chắn sẽ trân trọng những triết lý của ông sâu sắc hơn nếu bạn luôn khắc ghi những phẩm chất này: sự khiêu khích, sự lật ngược và nhìn nhận lại mọi vấn đề quen thuộc [2] , và tính thi vị của ngôn ngữ. Chính ba đặc tính này phân biệt triết luận của Foucault với rất nhiều triết luận của các học giả phương Tây khác. Tính khiêu khích (chứ không phải tính ép buộc) này trong triết luận của Foucault cũng đồng thời giúp phân biệt tác phẩm của ông với rất nhiều dạng học thuyết phê phán, cũng như với nhiều cách tiếp cận vấn đề khác trong lịch sử văn học nữa. Trong khi hầu hết các học thuyết phê phán khác đều đưa ra những phương án giải quyết cho các vấn đề chính trị, cách Foucault từ chối đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi và phương án cho những vấn đề chính là một nhân tố khiến cho các tác phẩm của ông là tâm điểm của nhiều cuộc bàn luận và tranh cãi. Khi hầu hết các nhà triết học trọng phân tích luôn đòi hỏi phải có tính logic chặt chẽ trong cách phát biểu, cách dùng ngôn ngữ thi vị hóa và khơi gợi trí tưởng tượng của Foucault – cũng như của Nietzsche trước ông – chỉ khiến nhiều người muốn loại các tác phẩm của ông ra khỏi dòng triết học chính thống mà thôi.


    Genre (Thể loại)
    Làm thế nào mà tính khiêu khích, sự gây rối và tính thi vị lại tạo thành triết học cho được? Một số triết gia đã chỉ ra những đặc tính này không phù hợp với triết học, và do đó, họ tiếp tục biện luận, rằng không nên coi Foucault là một triết gia. Nếu bạn tin triết học phải là thứ gì đó u sầu, hợp logic, và lúc nào cũng phải dựa vào lý trí, thì tác phẩm của Foucault sẽ không giống với triết học trong mắt bạn. Tuy nhiên, nếu bạn coi triết học như cuộc điều tra về cách mọi thứ “kết hợp với nhau” (Prado, 1992, tr.20) ở mức độ khái quát nhất, thì Foucault hiển nhiên là một triết gia.
    “Triết học hiện đại” là một thuật ngữ chuyên môn (technical) trong đó đề cập đến một thời kỳ lịch sử của triết học phương tây bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ mười bảy. Hầu hết các giáo trình về lịch sử triết học đều coi Renè Descartes như “cha đẻ” của triết học hiện đại. Vào năm 1637, Descartes viết Discourse on the Method of Rightly Conducting the Reason, and Seeking Truth in the Sciences (Luận về phương pháp kiếm soát Lý tính, và Truy tìm Chân lý trong Khoa học). Descartes viết những lời chỉ dẫn cho triết học hiện đại theo cách hệ thống và chuẩn mực. Phương pháp tìm kiếm chân lý của ông tồn tại và định hình những câu hỏi triết học lẫn khoa học trong suốt 300 năm. Theo bước chân Descartes, những cuộc tra vấn của triết học hiện đại hướng tới mục đích là tìm kiếm sự thật về thế giới và cuộc sống của chúng ta trong đó. Triết học hiện đại chia sẻ dăm đặc điểm của khoa học hiện đại và được đại diện bởi John Locke, David Hume, Karl Marx, John Stuart Mill, Immanuel Kant, và Bertrand Russell. Tuy nhiên, trước tác của Foucault lại tiếp bước Nietzsche trên con đường triết học ở chỗ nó thoát khỏi truyền thống của sự tra vấn hiện đại hay triết học Descartes. Bởi vì nó không hiện đại hay giàu tính phân tích, tác phẩm của Foucault có tính tranh biện sâu sắc và khá khó hiểu (ít nhất là với một số người).
    Điểm quan trọng là triết học của Foucault không tuân theo truyền thống của triết học hiện đại; nó không đề ra cách giải quyết, tìm kiếm chân lý, hoặc cung cấp những chỉ dẫn cho cách sống lý tính hay cư xử có đạo đức. Tác phẩm của Foucault không cùng thể loại với triết học hiện đại bởi vì nó không có cùng một mục đích và không tuân theo cùng những quy luật.
    Foucault đặc thù hóa mục đích của triết học hiện đại (kể từ Descartes) là truy tìm chân lý. Những nguyên tắc của tra vấn triết học là những quy tắc của luân lý Descartes. Cuộc truy tìm truyền thống của triết học hiện đại dựa trên nhiều giả thiết: 1) có một thứ tồn tại như là chân lý; 2) con người có khả năng nắm bắt hay biết được cái gì là đúng (ít nhất là đến một mức độ nào đó); 3) cuộc truy tìm chân lý là thứ làm cho chúng ta trở thành con người thật sự. Triết học hiện đại có lệ tập trung vào xác định sự khác biệt giữa cái gì là đúng và cái gì là sai, và sự tập trung này có quan hệ mật thiết đến những giá trị nhân văn cốt lõi của chúng ta, đặc biệt nhất là sự tự do.
    Mục đích của triết học Foucault không phải ở truy tìm chân lý. Thay vào đó, mục đích của nó là để khích động chúng ta tìm ra những câu hỏi mới về việc chúng ta là ai và chúng ta nghĩ như thế nào: để hoài nghi về bất cứ thứ gì được bày ra trước mắt chúng ta như là chân lý bằng cách thử thách những giả thiết của chúng ta về cái gì là tự nhiên hay tất yếu. Foucault không tấn công vào bản thân sự thật; ông tấn công vào những hệ quả của nỗi ám ảnh chúng ta vẫn mang về sự thật. Đặc biệt là, triết học của Foucault đánh vào những hệ quả của cuộc truy tìm chân lý đã làm trí tưởng tượng cũng như óc sáng tạo của loài người bị bình thường hóa, giới hạn và khép vào kỷ luật. Mỗi cuốn sách của ông nhắm vào một hệ giả thiết khác nhau về điều chúng ta đi đến chấp nhận là bình thường và tự nhiên. Nếu mục đích quan trọng hơn hết của triết học hiện đại là truy tìm chân lý, thì triết học của Foucault không phải là một phần của truyền thống này bởi mục đích của nó là khiêu khích, thức tỉnh, và truyền cảm hứng cho chúng ta trên mọi ngả đường: đạo đức, trí tuệ, mỹ học cũng như chính trị.


    [1] Problematization (or problematisation) of a term, writing, opinion, ideology, identity, or person is to consider the concrete or existential elements of those involved as challenges (problems) that invite the people involved to transform those situations.[1] It is a way of defamiliarization of common sense. (Wikipedia)
    [2]  Nguyên bản:  problematization


    Nguyễn Tiến ĐạtHương Giang dịch từ Michel Foucault (Continuum Library of Educational Thought) của Lynn Fendler, nxb Bloomsbury Academic. Bản mềm cuốn sách này có thể down tại đây




  2. 0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ