Rss Feed

  1. Môn Toán trong trường học
    Chắc chắn sẽ không có cách nào hiệu quả hơn để tiêu diệt sự hứng thú, sự ham thích với một môn học bằng việc khiến nó trở thành một phần bắt buộc của chương trình. Biến nó thành một phần quan trọng của những bài kiểm tra được tiêu chuẩn hóa, và bạn đã vô hình chung tự đảm bảo rằng trường học sẽ hút hết mọi sự hấp dẫn ra khỏi nó. Các ban ngành lãnh đạo, các nhà giáo dục, các tác giả sách giáo khoa, các công ty xuất bản, và đáng buồn thay, cả hầu như mọi giáo viên toán nữa, chẳng ai biết toán học thực sự là gì hết. Phạm vi của vấn đề này lớn đến nỗi tôi không biết nên bắt đầu từ đâu nữa.
    Hãy thử bắt đầu với sự thất bại ê chề của công cuộc “cải cách giáo dục” môn Toán. Suốt nhiều năm nay, càng ngày càng có thêm nhiều người nhận ra có gì đó không ổn trong cách môn Toán được giảng dạy. Các nghiên cứu đã được triển khai, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức, và không biết bao nhiêu là các hội đồng giáo viên, các nhà xuất bản sách, và đủ các thể loại nhà làm giáo dục khác đã được tập hợp để “khắc phục và sửa chữa vấn đề”. Bên cạnh chuyện tiền đổ ra để đầu tư cải cách rốt cục cũng chỉ quay lại làm lợi cho các nhà xuất bản sách giáo khoa (những người trước giờ vẫn luôn rất nhanh nhạy kiếm lợi với mọi biến động chính trị bằng cách cho trình làng những ấn bản “mới” của đủ các thể loại ấn phẩm quái dị đọc không ai hiểu nổi của họ); thì tất cả các công cuộc cải cách giáo dục này cũng chưa bao giờ chạm được đến đúng trọng tâm của vấn đề. Chương trình giảng dạy toán không có cần được cải cách, nó cần bị xóa bỏ kìa!
    Tất cả những cuộc tranh luận ỏm tỏi kiểu này về việc “vấn đề” nào của môn Toán nên được giảng dạy, cái nào nên được dạy trước và cái nào nên được dạy sau; rồi việc tại sao nên dùng biểu tượng này chứ không phải ký hiệu kia, hay loại máy tính và model máy tính nào nên được sử dụng... ôi vì Chúa! -  cứ như là đang cố sắp xếp lại bàn ghế trên con tàu Titanic ấy!! Toán học là âm nhạc của lý trí; làm toán là được tham gia vào những hoạt động hấp dẫn của khám phá, của suy đoán, của linh cảm và của cả cảm hứng, là lúng túng trước một vấn đề - không phải vì nó vô lý, mà vì bạn đã làm cho nó có lý, nhưng vẫn không thể nào hiểu nổi sáng tạo của bạn đang định làm gì; là bỗng nhiên có một ý tưởng đột phá, là rơi vào trạng thái tâm lý vô cùng ức chế của một nghệ sĩ, là được choáng ngợp và ngỡ ngàng trước cái đẹp đến tuyệt đỉnh, là được sống chứ, mẹ kiếp!!! Chừng nào những thứ đó còn bị loại ra khỏi toán thì các ông cứ hội thảo chán chê đủ kiểu các ông muốn đi, cũng sẽ chẳng thay đổi được gì đâu. Cứ phẫu thuật cho chán đi, hỡi các bác sĩ, bệnh nhân của các ông đã chết ngỏm từ lâu rồi!!!
    Điều đáng buồn nhất trong những trò “cải cách” này là những nỗ lực để khiến môn toán “thú vị hơn” và “thiết thực, gần gũi với học sinh hơn”. Không cần các ông phải làm cho toán thú vị - tự thân nó đã thú vị đến hơn cả mức các ông có thể chịu được rồi!!! Và điều tuyệt diệu nhất của nó chính là ở chỗ nó hoàn toàn không liên quan gì đến đời sống thực của chúng ta hết. Chính bởi thế mà nó mới hấp dẫn đến vậy!!!
    Những nỗ lực để khiến toán học trở nên gần gũi hơn với cuộc sống lẽ tất yếu đã khiến nó trở nên khiên cưỡng và đầy áp đặt: “Các em thấy đấy, nếu học đại số giỏi, các em sẽ biết được bạn Maria năm nay bao nhiêu tuổi, nếu chúng ta biết được rằng hai năm trước đây, số tuổi của Maria gấp hai lần số tuổi của bạn ấy vào bảy năm trước!” [1] (cứ như kiểu sẽ có ai biết được thứ thông tin quái dị này chứ không phải biết được tuổi thật của cô bé ấy). Đại số không phải là môn học về các phép tính thường ngày, đối tượng của nó là các con số và sự cân bằng của các đẳng thức – chỉ tự cái đó thôi cũng đã đủ là một mục đích đích đáng để theo đuổi rồi:
    “Giả sử rằng tôi biết tổng và hiệu của hai số khác nhau. Làm thế nào để từ đó tôi có thể tìm ra chính xác hai số ấy là gì?”
    Đây là một câu hỏi đơn giản mà xuất sắc, và nó chẳng cần đến một tí công sức nào để làm cho nó hấp dẫn hơn. Những người Babylon cổ xưa đã rất thích thú khi làm việc với những vấn đề như thế, cả các học sinh ngày nay của chúng ta cũng vậy (và tôi hy vọng là cả bạn cũng sẽ có hứng thú suy nghĩ về nó nữa!). Chúng ta không cần nhọc công tốn sức để khiến toán trở nên gần gũi hơn. Toán đã rất gần gũi với cuộc sống rồi, theo đúng cách của một môn nghệ thuật: nó là một trải nghiệm đầy ý nghĩa của con người.
    Mà hơn nữa, các vị nghĩ trẻ em thậm chí sẽ muốn học một thứ liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của chúng sao? Các vị nghĩ một thứ thiết thực như tính lãi suất tiết kiệm sẽ khiến bọn trẻ phát run lên vì phấn khích chắc? Con người ta ưa thích những thứ bay bổng kia, đấy chính là thứ mà toán học có thể cung cấp - một sự giải thoát khỏi cuộc sống thường nhật, một liều thuốc làm dịu đi những căng thẳng của thế giới quá thiết thực và bình thường mỗi ngày.
    Vấn đề tương tự cũng xuất hiện khi các giáo viên và nhà xuất bản sách ngả theo kiểu “cố làm ra vẻ dễ thương”. Đây chính là lúc mà người ta cố gắng chống lại cái gọi là “chứng sợ toán” của học sinh (một tập hợp các loại hội chứng mà trên thực tế gây ra bởi chính trường học); bằng cách cố làm cho toán có vẻ “thân thiện” hơn. Để giúp học sinh nhớ công thức tính diện tích và chu vi hình tròn, ví dụ thế, các bạn có thể nghĩ ra cả một câu chuyện về “Ông C” lái xe vòng quanh “Bà S” và khen “hai đĩa bánh bà mới làm trông ngon làm sao” ( hai đĩa bánh = two pies = 2π ; công thức tính chu vi hình tròn: C = 2πr ); hay “hai đĩa bánh của bác trông rất vuông” (vuông = square, cũng có nghĩa là “bình phương”, bánh vuông = square pies ; ám chỉ công thức tính diện tích hình tròn: S = πr2 ) hay mấy thứ vớ vẩn tương tự như thế.[2]
    Tại sao lại không kể câu chuyện có thật ấy? Câu chuyện về bao nỗi vất vả của con người mỗi khi cần đo đạc đến độ dài của những đường cong; câu chuyện về Eudoxus, về Archimedes và phương pháp “vét cạn” [3] ; về sự siêu việt hơn hẳn của số π ? Thứ gì theo bạn nghĩ là thú vị hơn: ngồi hộc hơi đo đạc một cách xấp xỉ diện tích một hình gần tròn trên giấy vẽ đồ thị, sử dụng một công thức người ta đưa cho bạn mà không hề giải thích (và bắt bạn phải học thuộc và áp dụng đi áp dụng lại); hay lắng nghe câu chuyện về một trong những vấn đề đẹp nhất, hấp dẫn nhất, lôi cuốn nhất; và một trong những ý tưởng tuyệt vời và đột phá nhất trong lịch sử nhân loại? Chúng ta đang giết chết hứng thú của học sinh về hình tròn đấy, vì Chúa!!!
    Chúng ta thậm chí còn không cho học sinh của cơ hội để được nghe những câu chuyện như vậy, chứ chưa nói đến chuyện cho chúng cơ hội để được thực sự làm toán, được tự nghĩ ra ý tưởng của riêng mình, được có ý kiến, thái độ của riêng mình! Có môn học nào khác trong giáo trình lại như thế không: chỉ được dạy một cách đều đặn mà không hề nhắc gì đến lịch sử, đến triết lý, đến những phát triển tư tưởng, những yêu cầu thẩm mỹ, và đến tình trạng hiện tại của nó? Có môn học nào lại đi chối bỏ chính mạch nguồn nuôi dưỡng lớn nhất của nó - những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, tạo nên bởi những bộ óc sáng tạo nhất trong lịch sử loài người - mà chỉ biết học những sự bắt chước thô lậu từ những cuốn sách giáo khoa hạng ba không?
    Vấn đề lớn nhất của toán học trong nhà trường, đấy là không có vấn đề thực sự gì để giải quyết cả! Ồ, tôi có biết về những thứ vẫn được được gọi là vấn đề trong các lớp toán chứ: các thể loại “bài tập” ngớ ngẩn chứ gì! “Đây là một dạng vấn đề. Đây là cách giải quyết nó. Ồ có, nó sẽ có trong bài kiểm tra đấy. Hãy làm các bài từ 1 đến 35 để luyện cho thuần thục đi nhé”. Thật là một cách học toán thật đáng buồn: không khác chi một con khỉ bị huấn luyện!!!
    Một vấn đề đúng nghĩa phải là thứ bạn không biết làm cách nào để giải quyết nó. Thế mới làm nên một câu đố hay, và một cơ hội tốt. Một vấn đề tốt cũng không bao giờ ngồi đó trong đơn độc, nó giống như một tấm ván dậm nhảy để “bật” bạn đến những câu hỏi thú vị khác. Một tam giác thì có diện tích bằng ½ hình chữ nhật. Thế một khối hình kim tự tháp nằm trong một cái hộp trong không gian ba chiều thì sao, có giống thế không? Ta có thể giải quyết vấn đề này theo cách tương tự như với hai hình trên mặt phẳng kia không?
    Tôi có thể hiểu sự cần thiết của việc phải huấn luyện cho các học sinh nắm vững được một số kỹ thuật nhất định – chính tôi cũng làm vậy. Nhưng không phải chỉ cứ thế là xong! Kỹ thuật trong toán, cũng giống như kỹ thuật trong bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, nên được người học tiếp nhận trong chính lúc thực hành. Hãy cho các học sinh của bạn một vấn đề thật tốt, và để cho chúng vật vã xoay sở, ức chế khi không tìm ra được cách giải. Hãy xem chúng có thể nảy ra được những ý tưởng mới nào không. Đợi cho đến khi chúng thực sự điên lên vì cần một ý tưởng, lúc đó hãy cho chúng một vài kỹ thuật. Nhưng đừng nhiều quá.
    Vậy nên hãy dẹp hết sang một bên những giáo trình giáo án, những máy chiếu, những đống sách giáo khoa màu mè đáng ghét của bạn, cả những đĩa CD-ROM, và tất cả các thể loại đồ nghề rạp xiếc bạn vẫn dùng trong giảng dạy hiện nay; và hãy bắt đầu cùng làm toán với các học sinh của mình đi!!! Các giáo viên mỹ thuật đâu có phí thời gian với sách giáo khoa hay chỉ tập trung rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Họ làm những thứ tự nhiên nhất với môn học của họ - họ cho bọn trẻ vẽ tranh. Hãy đi vòng quanh lớp học, từ em này đến em khác, đưa ra những gợi ý và đề nghị được giúp đỡ:
    “Em đang nghĩ về vấn đề tam giác trong cái hộp của chúng ta, và em nhận ra một điều này: nếu cái tam giác này nghiêng quá nhiều về một bên, nó sẽ không còn chiếm một nửa của hình chữ nhật nữa! Đây, thầy nhìn mà xem này!!”
    “Quan sát tốt lắm! Luận điểm “chặt chém” của chúng ta mặc nhiên thừa nhận rằng đỉnh trên cùng của tam giác khi chiếu xuống sẽ luôn nằm đúng trên cạnh đáy. Giờ chúng ta cần đến một ý tưởng mới rồi.”
    “Để em thử chém nó theo một kiểu khác nhé?”
    “Tất nhiên. Hãy thử mọi ý tưởng mà em có. Và nói cho thầy biết ngay nếu em có ý tưởng gì mới nhé!”
    * * *
    Vậy làm cách nào để dạy cho các học sinh làm toán một cách thực sự? Bằng cách chọn những vấn đề tự nhiên, không khiên cưỡng, những vấn đề thực sự gây hứng thú và phù hợp với sở thích, tính cách và kinh nghiệm của các em. Bằng cách cho các em thời gian để tự khám phá và rút ra những suy đoán của riêng mình. Bằng cách giúp để lập luận của các em chặt chẽ hơn, và tạo ra môi trường học tập lành mạnh và sôi nổi trong phê bình toán học. Bằng cách linh động và rộng mở, phóng khoáng trước mọi thay đổi các em có thể hướng tới do trí tò mò dẫn dắt. Nói ngắn gọn, là có một mối quan hệ trí tuệ chân tình với học sinh và môn học của mình.
    Tất nhiên thứ tôi đang vẽ ra ở đây là bất khả thi vì nhiều lý do. Kể cả có bỏ qua việc chương trình học phổ thông đồng bộ và những bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa đã gần như không còn dành chỗ nào cho sự độc lập của giáo viên nữa; thì tôi cũng không tin rằng nhiều giáo viên thậm chí sẽ muốn có một mối quan hệ quá gần gũi như vậy với học sinh. Quá gần gũi tức là dễ tổn thương hơn, và nhiều trách nhiệm hơn - nói ngắn gọn lại, là quá nhiều công việc!
    Sẽ dễ hơn rất nhiều nếu chỉ cần làm một vật trung gian thụ động để truyền đạt “kiến thức” từ sách vở đến học sinh, và làm theo ba bước chỉ dẫn nhanh gọn mì ăn liền: “giảng, kiểm tra, lặp lại!” ; hơn là đào sâu suy nghĩ về vấn đề, về ý nghĩa thực sự của thứ mình đang cố dạy cho học trò, và đâu là cách tốt nhất để truyền đạt trực tiếp và chân thành nhất ý nghĩa đó đến học sinh. Chúng ta đang được khuyến khích nên bỏ qua cái công việc khó nhọc là tự đưa ra quyết định dựa vào suy nghĩ độc lập và lương tâm của mỗi cá nhân, thay vào đó là phải luôn “bám sát vào chương trình”. Đó đơn giản là con đường ít phải kháng cự nhất:
    NHÀ XUẤT BẢN SÁCH →  GIÁO VIÊN :
    A.       Công ty dược →  Bác sĩ
    B.       Hãng thu âm →   DJ
    C.       Các tập đoàn lớn →   Các nghị sĩ
    D.       Tất cả các phương án trên

    Vấn đề là ở chỗ, cũng như vẽ tranh hay làm thơ, toán là một công việc sáng tạo khó nhọc. Điều đó làm cho dạy toán trở thành một công việc cực kỳ khó. Làm toán là cả một quá trình nghiền ngẫm, là phải chậm. Phải tốn nhiều thời gian mới có thể làm ra một tác phẩm nghệ thuật, và phải cần đến một giáo viên thật giỏi mới có thể nhận ra một tác phẩm nghệ thuật như thế. Tất nhiên là ban bố một đống quy tắc, quy ước thì dễ hơn nhiều phải hướng dẫn và khơi gợi cảm hứng ở những nghệ sĩ trẻ; cũng như viết một quyển hướng dẫn sử dụng đầu VCR thì dễ hơn nhiều viết một cuốn sách có quan điểm, có lập trường riêng vậy. [4]
    Toán học là một môn nghệ thuật, và nghệ thuật nên được dạy bởi những nghệ sĩ đang thực sự làm việc - hoặc nếu không, ít nhất cũng phải bởi những người biết trân trọng những tác phẩm nghệ thuật, và có đủ khả năng để nhận ra khi họ được nhìn thấy một tác phẩm như thế. Bạn không bắt buộc phải học nhạc từ một nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhưng liệu bạn có muốn mình hay con cái mình học nhạc từ một người thậm chí chưa bao giờ chơi một nhạc cụ nào, hay chưa bao giờ thực sự nghe một bản nhạc trong suốt cả đời anh ta không? Liệu bạn có chấp nhận một giáo viên mỹ thuật cả đời chưa cầm lấy cây bút chì lần nào, hay chưa bao giờ đặt chân vào một viện bảo tàng hay một triển lãm tranh nào không? Thế tại sao chúng ta lại luôn sẵn lòng chấp nhận các giáo viên Toán chưa bao giờ có một công trình toán học của riêng mình, những người hoàn toàn không biết gì về triết lý và lịch sử của môn học mình dạy, không biết gì về những thành tựu nghiên cứu gần đây, trên thực tế là không biết gì ngoài những thứ nằm trong chương trình mà họ sẽ phải dạy cho những học trò khốn khổ của họ? Kiểu giáo viên gì thế chứ? Sao một người lại có thể dạy một thứ mà trên thực tế anh ta chẳng bao giờ làm? Tôi không biết khiêu vũ, và như một lẽ tất yếu, tôi sẽ không bao giờ giả thiết rằng mình có thể dạy một lớp khiêu vũ (tôi có thể thử, nhưng kết quả chắc chắn sẽ không đẹp đẽ chút nào). Điểm khác biệt lớn nhất ở đây là tôi biết mình không thể khiêu vũ. Và cũng sẽ không có ai khen tôi là giỏi khiêu vũ chỉ vì tôi biết một đống từ và thuật ngữ của ngành khiêu vũ.
    Không phải ý tôi là tất cả giáo viên toán đều cần phải là các nhà toán học chuyên nghiệp – hoàn toàn không phải thế. Nhưng ít nhất thì họ cũng phải hiểu được toán học là gì, phải giỏi toán, và phải thích thú khi làm toán chứ?
    Nếu dạy học chỉ còn bị rút ngắn lại thành việc truyền dẫn thông tin, nếu trong lớp học không còn những phút giây thầy trò cùng chia sẻ cảm giác ngỡ ngàng và phấn khích trước một tri thức mới, nếu chính các giáo viên chỉ đơn thuần là người tiếp nhận thụ động thông tin chứ không phải là người sáng tạo nên các ý tưởng mới, thì còn hy vọng gì nữa cho các học sinh? Nếu phép chia phân số với các giáo viên chỉ là một mớ các quy tắc tùy tiện ai đó nghĩ ra, mà không phải là sản phẩm của cả một quá trình sáng tạo, là kết quả của những lựa chọn và đam mê đầy tính thẩm mỹ, thì tất nhiên các học sinh tội nghiệp cũng sẽ nghĩ giống vậy rồi!
    Dạy học không phải là về lượng thông tin sẽ được truyền đạt. Dạy học là có một mối quan hệ trí tuệ chân tình với học sinh của mình. Nó không cần phương pháp, không cần công cụ, và không cần được huấn luyện đào tạo chi hết. Chỉ cần khả năng chân chính, không giả tạo. Nếu anh không thể làm thế, thì anh không có quyền cưỡng ép những học sinh vô tội phải chịu đựng anh.
    Cụ thể hơn, anh không thể dạy được cách dạy. Các “trường sư phạm” chỉ là một trò giả dối hoàn toàn. Ồ, phải, anh có thể được dạy về phát triển tâm lý ở trẻ em và kiểu thế, và anh có thể được đào tạo để dùng bảng đen “hiệu quả”, và được đào tạo để biết soạn một “kế hoạch giảng dạy” khoa học (thứ, nhân tiện nói luôn, đảm bảo anh sẽ dạy những thứ đã được lên kế hoạch, và do đó, anh đã thất bại ngay từ đầu); anh có thể được học mọi thứ đó, nhưng anh sẽ không bao giờ là một giáo viên chân chính nếu anh không sẵn sàng làm một con người chân chính, không một chút giả tạo. Dạy học là rộng rãi, phóng khoáng, sẵn sàng tiếp nhận cái mới; là chân thành với học trò, là có khả năng chia sẻ niềm phấn khích của mình với học trò, là có một tình yêu chân thành với việc học. Nếu không có những thứ đó, tất cả mọi bằng cấp sư phạm trên thế giới này cũng không giúp được anh; và nếu có nó, thì tất cả mớ bằng cấp kia đều là không cần thiết.
    Mọi thứ hoàn toàn rất đơn giản thôi. Học sinh là người chứ đâu phải sinh vật ngoài hành tinh. Chúng sẽ phản ứng với cái đẹp, với quy luật, và chúng cũng có một trí tò mò rất tự nhiên như bất kỳ ai khác. Hãy trò chuyện với chúng đi! Và quan trọng hơn nữa, hãy lắng nghe chúng đi!!!
    SIMPLICIO:  Được rồi, tôi hiểu rằng có khía cạnh nghệ thuật ở toán, và chúng ta đang làm không tốt gì cho lắm trong việc cho các học sinh được tiếp xúc với nó. Nhưng không phải anh đang đòi hỏi ở hệ thống giáo dục một thứ quá tách biệt và xa rời thực tế đấy chứ? Chúng ta đâu có định đào tạo các nhà hiền triết ở đây, chúng ta chỉ cần các học sinh có khả năng toán học cơ bản tối thiểu, để họ có thể vận hành tốt trong xã hội sau này thôi mà?
    SALVIATI:  Nhưng chúng ta đang đâu có làm thế! Toán trong trường học giảng dạy rất nhiều thứ không liên quan gì tới xã hội cả – đại số hay lượng giác chẳng hạn! Những chuyên đề này hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến đời sống thường ngày hết! Tôi chỉ đang đơn giản gợi ý rằng nếu đằng nào chúng ta cũng sẽ giảng dạy chúng như là phần bắt buộc trong giáo dục cơ bản cho mỗi học sinh, thì ít nhất hãy dạy chúng theo cách tự nhiên và hợp lý nhất mà thôi! Hơn nữa, như tôi đã nói ở trên lúc nãy, chỉ vì một môn học tình có một vài công dụng vớ vẩn thiết thực nào đấy, không có nghĩa là chúng ta nên biến công dụng đó thành mục đích trọng tâm để giảng dạy và học tập. Đúng là anh cần phải biết đọc thì mới có thể điền vào các mẫu đơn, ký các hợp đồng, nhưng đó không phải lý do ta dạy bọn trẻ đọc sách. Ta dạy chúng biết đọc vì một mục đích cao hơn, để chúng có thể tiếp cận với những ý tưởng đẹp đẽ và đầy ý nghĩa của nhân loại. Không chỉ sẽ thật tàn nhẫn nếu dạy đọc theo kiểu như thế – bắt các học sinh lớp ba phải điền đơn đặt hàng hay biên lai thuế – mà học như thế cũng không có tác dụng! Chúng ta học một thứ gì là vì nó hấp dẫn chúng ta vào lúc này, không phải vì nó có thể có tác dụng thiết thực gì về sau. Thế nhưng đây lại chính xác là điều mà chúng ta đang đòi hỏi ở các học sinh của mình khi bắt chúng học toán.
    SIMPLICIO:  Nhưng chúng ta cũng cần các học sinh lớp ba biết làm toán chứ?
    SALVIATI:  Tại sao? Anh muốn huấn luyện để chúng biết tính 427 cộng 389 [5] bằng bao nhiêu ư?  Nó đơn giản không phải là một câu hỏi mà nhiều đứa trẻ tám tuổi sẽ thắc mắc. Nếu nói về cái đấy, hầu hết mọi người lớn bây giờ còn không hiểu hết quy tắc đếm số của hệ thập phân cơ, và anh mong chờ rằng bọn trẻ sẽ hiểu rõ hơn được tí nào ư? Hay là anh không cần quan tâm xem chúng có thực sự hiểu hay không? Ở tuổi đó chỉ đơn giản là quá sớm cho kiểu đào tạo như vậy. Tất nhiên là vẫn có thể làm được, nhưng rốt ráo lại, tôi thấy làm thế có hại nhiều hơn là có lợi. Tốt nhất là nên đợi đến khi bản tính tò mò tự nhiên nhất của các em về những con số tự thôi thúc chúng học toán kia.
    SIMPLICIO:  Vậy chúng ta nên làm gì với bọn trẻ trong những giờ toán chứ?
    SALVIATI:  Chơi trò chơi! Dạy chúng cờ vua và cờ vây, chơi cờ Hex, chơi Backgammon, cái gì cũng được. Tự nghĩ ra một trò chơi. Cho chúng chơi những câu đố. Hãy cho chúng tiếp xúc với những tình huống đòi hỏi phải có tư duy logic. Đừng vội lo đến biểu tượng, ký hiệu hay kỹ thuật; đầu tiên hãy giúp các em có tâm thế chủ động và sáng tạo của một nhà toán học đã.
    SIMPLICIO:  Có vẻ như đây là một cách làm khá nguy hiểm. Nhỡ chúng ta tập trung cho Toán ít đến mức các học sinh không biết cộng hay trừ nữa thì sao?
    SALVIATI:  Tôi nghĩ nguy hiểm hơn cả là việc tạo ra trường học mà thiếu vắng bất kể hoạt động sáng tạo nào, nơi mà chức năng của học sinh chỉ là ghi nhớ ngày tháng, ghi nhớ công thức, ghi nhớ từ vựng, và rồi nhai lại mớ kiến thức đó trong những bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa – “Hãy chuẩn bị lực lượng lao động của ngày mai ngay từ hôm nay!”
    SIMPLICIO:  Nhưng chắc chắn có những phần kiến thức toán học tối thiểu mà một người có giáo dục phải biết chứ?
    SALVIATI:  Phải, và phần quan trọng nhất về toán học là nó là một thể loại nghệ thuật tạo ra bởi con người để thỏa mãn ham thích của chính mình! Được rồi, đúng là sẽ rất tốt nếu mọi người đều có một chút ít hiểu biết cơ bản về về hình khối hay số học, những thứ đại loại thế. Nhưng hiểu biết thực sự sẽ không đến từ việc học thuộc lòng lặp đi lặp lại, làm bài tập lặp đi lặp lại, không phải bằng nghe giảng hay bài luyện. Anh học một thứ bằng cách tự mình làm nó, và anh sẽ nhớ thứ gì gây hứng thú cho anh. Chúng ta đã có cả triệu người trưởng thành quanh quẩn khắp nơi với cụm từ “trừ b cộng trừ căn delta trên 2a” trong đầu, trong khi hoàn toàn không hiểu nó có nghĩa là gì rồi. Và lý do là vì họ chưa bao giờ có cơ hội được tự mình khám phá và nghĩ ra chúng. Họ chưa bao giờ được có một thử thách thực sự nào để tự suy nghĩ, để ức chế, và để khiến họ có ham muốn cần đến phương pháp và kỹ thuật giải toán. Họ chưa bao giờ được biết đến câu chuyện về mối quan hệ giữa nhân loại và các con số – không có những tấm bia đá của người Babylon, không có những mảnh giấy Papyrus từ thời Ai Cập cổ đại, không có Liber Abaci của nhà toán học Fibonacci, không Ars Magna của Girolamo Cardano. Và quan trọng hơn cả, không một cơ hội nào để họ có thể thậm chí tò mò một chút về vấn đề: những câu hỏi luôn được trả lời từ trước khi họ kịp nghĩ đến nó nữa.
    SIMPLICIO:  Nhưng chúng ta đâu có thời gian để cho mỗi học sinh tự mình khám phá toán học lại từ đầu? Phải mất đến hàng thế kỷ nhân loại mới phát triển được định lý Py-ta-go; làm thế nào anh mong chờ một đứa trẻ bình bình tầm trung có thể tự mình nghĩ ra nó chứ?
    SALVIATI:  Tôi đâu có mong chờ điều đó. Để tôi nói rõ hơn vậy. Tôi đang than phiền về việc có một sự thiếu vắng hoàn toàn nét nghệ thuật, sự phát minh, cũng như cả lịch sử, cả triết lý, bối cảnh và cả quan điểm cá nhân trong chương trình toán hiện tại. Thế không có nghĩa rằng các ký hiệu, biểu tượng, các kỹ thuật hay việc phát triển nền tảng kiến thức cho học sinh là những điều không cần thiết. Tất nhiên là chúng có cần thiết chứ! Nhưng chúng ta cần phải có cả hai. Nếu tôi phản đối về việc con lắc đang quá nghiêng về một bên, điều đó không có nghĩa là tôi muốn nó nghiêng tuốt hẳn sang phía còn lại. Nhưng sự thật là, người ta sẽ học tốt hơn nếu kiến thức họ cần học là sản phẩm từ một quá trình tư duy và nhận thức. Sự trân trọng thực sự với thơ ca không phải đến từ việc nhớ một đống các bài thơ, mà là từ việc tự viết một bài thơ của riêng mình kia.
    SIMPLICIO:  Đúng vậy, nhưng muốn viết được thơ thì trước hết anh phải học thuộc bảng chữ cái đã. Quá trình thì cũng phải bắt đầu từ một điểm nào đó chứ. Anh cần phải biết đi trước khi có thể chạy.
    SALVIATI:  Không, muốn chạy được, anh cần phải có một thứ gì để anh chạy tới chứ. Trẻ em có thể làm thơ và viết truyện trong khi chúng đang học đọc và viết. Những dòng viết của một đứa bé 6 tuổi là một tác phẩm tuyệt vời, và những lỗi chính tả hay dấu má không làm giảm đi của nó chút giá trị nào hết. Kể cả những đứa trẻ còn rất nhỏ cũng có thể sáng tác ra những bài hát, và chúng chẳng cần biết tông nhạc là cái gì, hay khóa nhạc nào chúng đang dùng nữa.
    SIMPLICIO:  Nhưng toán học đâu có giống thế, phải không? Chẳng phải toán học tự nó cũng đã như là một ngôn ngữ khác hẳn, với đủ các loại biểu tượng, ký hiệu mà muốn làm được thì trước hết phải học hết được chúng đã hay sao?
    SALVIATI:  Hoàn toàn không phải thế. Toán học không phải là một ngôn ngữ, nó là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Liệu các nhạc sỹ có “nói một ngôn ngữ khác hẳn” không, chỉ vì họ ký hiệu cho các giai điệu họ nghĩ ra bằng những nốt đen trắng nhỏ nhỏ kia? Nếu có đúng là thế, thì thứ ngôn ngữ đó có vẻ cũng chẳng gây chút khó khăn gì cho một đứa trẻ và bài hát tự nó nghĩ ra cả. Đúng, đã có một lượng rất lớn các ký hiệu và biểu tượng toán học được phát triển trong suốt hàng bao thế kỷ qua, nhưng chúng chưa bao giờ đóng một vai trò cốt yếu, quan trọng gì trong toán cả. Hầu hết các vấn đề toán học thực sự được giải quyết với một người bạn bên bàn cà phê, ghi nguệch ngoạc trên một tấm khăn ăn nào đấy. Toán học đã và vẫn luôn là về các ý tưởng, và một ý tưởng giá trị thì quan trọng hơn nhiều một biểu tượng vô nghĩa bạn chọn để ký hiệu cho nó. Như Gauss đã từng phát biểu: “Thứ chúng ta cần là ý tưởng, chứ không phải biểu tượng!” [6]
    SIMPLICIO:  Nhưng không phải mục đích của toán học là để dạy cho học sinh biết cách tư duy mạch lạc, logic, là giúp chúng có một “tư duy toán học” để có thể giải quyết các vấn đề thực của cuộc sống hay sao? Không phải tất cả những định nghĩa và công thức này sẽ giúp mài sắc tư duy của các học sinh sao?
    SALVIATI:  Không, không hề. Nếu có, thì hệ thống giáo dục hiện giờ đang có tác động hoàn toàn ngược lại: làm cùn nhụt đi tư duy của các em thì đúng hơn. Khả năng suy nghĩ sắc bén ở mọi phương diện đều đến từ việc trực tiếp giải quyết vấn đề, chứ không phải từ việc được bảo sẵn cho cách giải ngay từ đầu.
    SIMPLICIO:  Thôi được rồi, anh nói cũng có lý. Nhưng còn những học sinh muốn theo đuổi con đường làm khoa học, hay làm kỹ sư thì sao? Những đối tượng đó vẫn cần đến sự đào tạo như đang được cung cấp hiện giờ chứ? Không phải đó cũng là lý do chúng ta dạy toán trong trường học sao (để giúp đỡ các em dễ dàng học các môn khoa học) ?
    SALVIATI:  Có bao nhiêu học sinh đang học văn hiện giờ sau này sẽ trở thành nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật nào? Đó không phải là lý do chúng ta dạy văn, cũng không phải là lý do bọn trẻ học nó. Chúng ta dạy là để khai sáng cho tất cả, chứ không phải chỉ để đào tạo cho một nhóm nhỏ những người sẽ làm nghề đó chuyên nghiệp trong tương lai. Mà thực sự, phẩm chất đáng giá nhất của một nhà khoa học hay một kỹ sư cũng không phải là những cái đó, mà là ở khả năng tư duy độc lập và tính sáng tạo kìa. Không ai, bất kể là nghề gì, hạng gì sau này, lại muốn bị huấn luyện cả.
    (Còn nữa)
    Nguyễn Tiến Đạt dịch và chú thích





    [1] Cách giải bài toán trên của người dịch:
    Theo giả thiết, số tuổi của Maria 2 năm trước đây bằng hai lần số tuổi của cô bé vào 7 năm trước đây. Coi x là một số nguyên dương lớn hơn hoặc bằng 7, ta có cách giải như sau:
    Gọi số tuổi của Maria bây giờ là x, suy ra:
    +          số tuổi của Maria 2 năm trước đây là x – 2

    +          số tuổi của Maria 7 năm trước đây là x – 7
    Vậy x – 2 = 2.(x – 7) ; tức x – 2 = 2x – 14;  tức -2 + 14 = 2x – x ; tức x = 12
    Vậy Maria năm nay 12 tuổi. Hai năm trước bạn 10 tuổi, bảy năm trước thì bạn 5 tuổi, khớp với các dữ kiện trong giả thiết.

    [2] Một ví dụ gần gũi hơn với người Việt có thể kể đến bài thơ lượng giác sau:

    Sin : đi học (cạnh đối - cạnh huyền)
    Cos: không hư (cạnh kề - cạnh huyền)
    Tg: đoàn kết (cạnh đối - cạnh kề)
    Cotg: kết đoàn (cạnh kề - cạnh đối)

    Hoặc một bài thơ khác về cách nhớ công thức: tan(a + b) = (tana + tanb)/1 – tana.tanb là:

    tan một tổng tầng hai cao rộng
    trên thượng tầng tan cộng tan tan
    dưới hạ tầng số 1 ngang tàng
    dám trừ một tích tan tan oai hùng

    Hoặc nguyên tắc để 2 tam giác bằng nhau:

    Con gà con , gân cổ gáy , cúc cù cu 
    (cạnh góc cạnh, góc cạnh góc, cạnh cạnh cạnh)
    [3] Phương pháp “vét cạn” ( “The method of exhaustion“ ) là một phương pháp tính gần đúng diện tích của một hình bất kỳ bắt nguồn từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên ở Hy Lạp, lần đầu tiên được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi nhà toán học cổ Eudoxus. Archimedes (Ác-xi-mét) đã dùng phương pháp này để tính được diện tích của hình tròn, bằng cách đặt một đa giác đều nội tiếp bên trong hình tròn, một đa giác đều khác ngoại tiếp bên ngoài hình tròn, như hình dưới đây - hình tròn sẽ bị kẹp giữa hai đa giác đều đồng dạng.
    Archimedes phát hiện ra rằng khi ta tăng dần số cạnh của hai đa giác, sự chênh lệch giữa chu vi của hình tròn và chu vi của hai đa giác sẽ giảm dần, và đến một lúc nào đấy, khoảng chênh lệch này sẽ nhỏ đến mức nó có thể coi là đã hoàn toàn bị “vét cạn” (quá nhỏ đến mức có thể bỏ qua). Cặp đa giác này càng có nhiều cạnh chúng sẽ càng tiến sát lại gần nhau, đồng thời chu vi của chúng cũng sẽ càng gần hơn với chu vi của hình tròn nằm giữa, khi đến một mức nào đấy con số chênh lệch giữa chu vi hai đa giác xấp xỉ bằng 0, hai đa giác sẽ gần như trùng nhau và tạo thành một đa giác gần như trùng khít với hình tròn:

    [4] Người dịch trong lúc dịch có google cụm từ “nhà toán học”, và tình cờ tìm đến trang wikipedia của giáo sư - nhà toán học Tạ Quang Bửu. Xin được trích nguyên văn một đoạn nhỏ người dịch thấy khá thú vị:


    “Ông sinh ngày 23 tháng 7 năm 1910, trong một gia đình nhà giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1922, ông thi vào trường Quốc học Huế và đỗ thứ 11. Sau đó ông ra Hà Nội học trường Bưởi. Năm 1929, sau khi đỗ đầu tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, ông nhận được học bổng của Hội Như Tây Du học của Nguyễn Hữu Bài và sang Pháp học.Tại Pháp, năm 1929, ông đăng ký học lớp toán đặc biệt của trường Louis le Grand về toán học và vật lý lý thuyết, đăng ký học cử nhân toán ở Viện Henri Poincaré. Ông đã đến nghe giảng ở cả giảng đường Hermite (dành cho cử nhân) lẫn tham dự các buổi xê-mi-na ở giảng đường Darboux (dành cho những người học trên đại học). Tại đây, ông đã tiếp xúc với nhiều nhà toán học trẻ của nước Pháp, bí mật tham gia nhóm Nicolas Bourbaki. Đó là cơ sở để năm 1961, ông cho ra đời tác phẩm Về cấu trúc của Bourbaki. Ông thi đỗ vào trường Centrale Paris năm 1930, theo học chương trình cử nhân khoa học ở Đại học Sorbonne, học toán ở các Đại học Paris, Đại học Bordeaux (Pháp) từ 1930 đến 1934 và được trường Bordeaux trao đổi sang Đại học Oxford (Anh) trong một thời gian ngắn. Tại đây ông học thêm vật lý lượng tử.


    Trở về nước năm 1934, ông không ra làm quan mà đi dạy toán và tiếng Anh tại trường tư, ban đầu là trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế. Ngoài tiếng Anh và toán, lí, hóa ông còn dạy các môn khoa học tự nhiên khác theo yêu cầu của nhà trường. Các môn này (động vật, thực vật, khoáng vật) ông tự nghiên cứu trong sách chuyên ngành cao hơn nhiều so với chương trình trung học rồi lên lớp với những mẫu hiện vật tự sưu tầm.”
    [5] Bằng 816, nếu ai có tình cờ quan tâm : )
    [6] “What we need are notions, not notations.”

  2. 0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ