Rss Feed





  1. Ngữ cảnh lịch sử của triết học Foucault
    Những con đường suy tư triết học nổi lên trong không-thời gian cụ thể. Tất cả các triết gia đều tạo ra những biện luận cho một số điều và chống lại một số điều khác. Đôi khi các biện luận này có đích nhắm rõ ràng trong tác phẩm của triết gia, và đôi khi thì không. Để hiểu được một triết gia đang biện luận điều gì thì việc hiểu cái ông ta đang biện luận chống lại cũng hữu ích.
    Foucault sống và viết ở Pháp vào thập niên 60, 70, và 80. Vậy những ý tưởng nào đang chiếm ưu thế và những lối nghĩ nào đang phổ biến vào thời điểm viết lách của Foucault xuất hiện? Tác phẩm của Foucault là bộ phận của bầu khí quyển trí tuệ nào? Các sự kiện lịch sử gì bao quanh triết học của ông? Tác phẩm của ông tương quan với những quan điểm triết học khác theo lối cách nào? Ông thách thức các truyền thống trí tuệ gì?
    Ở cấp độ khái quát nhất, tác phẩm Foucault thách thức tất cả những truyền thống phê bình thịnh hành của triết học phương Tây hiện đại thế kỉ 20: Chủ nghĩa Marx, hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, và chủ nghĩa cấu trúc. Quan điểm triết học của Foucault dành cho các truyền thống chính trị và trí tuệ thịnh hành thay đổi qua các tác phẩm khác nhau của mình. Tuy nhiên, cuối cùng, trong một ý thức trở đi trở lại, triết học Foucault phê bình sâu sắc những dự phóng triết học chính đang phổ biến thời đó. Phần này đi vào mô tả ngắn gọn một số phương diện thuộc về ngữ cảnh lịch sử của Foucault.


    Phê bình lý thuyết phê bình


    Vào giữa thể kỉ hai mươi các ảnh hưởng thịnh hành định hình bầu khí quyển trí tuệ Châu Âu bắt nguồn từ vài đường hướng nghiên cứu:

    1. Chủ nghĩa Marx
    2. Cấu trúc luận/Hậu cấu trúc luận
    3. Chủ nghĩa hiện đại/Chủ nghĩa hậu hiện đại
    4. Phân tâm học
    5. Hiện tượng học
    6. Chủ nghĩa hiện sinh
    7. Phương pháp luận nghiên cứu lịch sử phái Annels
    Mỗi một truyền thống này mang tính phê bình tự trong bản chất, theo nghĩa từng thứ thể hiện việc giải phóng tư duy con người khỏi một hệ các đức tin triết học đã được thiết lập trước đó. Phần dưới đây sẽ trình bày cô đọng từng truyền thống phê bình này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu những con đường mà triết học Foucault đã cấu thành nên một phê bình các lý thuyết phê bình.


    Chủ nghĩa Marx và Phái Frankfurt


    Karl Marx sống ở Đức từ 1818 đến 1883. Ông nổi tiếng là một triết gia chính trị và lý thuyết gia về chủ nghĩa cộng sản. Các tác phẩm tiếng tăm nhất của Marx là Tuyên ngôn Cộng sản và cuốn Tư bản. Những quan điểm chính trị mà có thể được mô tả là xã hội chủ nghĩa và cánh tả nhìn chung đồng hướng với triết học Marx về trợ cấp xã hội và thực thi quyền lực của giai cấp công nhân. Vào đầu thập niên 50, Foucault là thành viên của Đảng Cộng sản Pháp, nhưng quan trọng hơn, nguyên lý xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Marx ảnh hưởng nặng nề nền triết học lục địa Châu Âu cùng thời gian đó. Việc từ chối hay tránh Chủ nghĩa Marx của triết học Châu Âu thế kỉ 20 là không thể. Chủ nghĩa Marx là một truyền thống trí tuệ uy thế thời Foucault, và triết học Foucault đã tiến hành phê bình một số phương diện của chủ nghĩa Marx.
    Chẳng hạn, triết học Foucault được hình dung theo diễn ngôn (discourse), điều là một biến đổi mang tính phê bình của khái niệm ý thức hệ (ideology) trong chủ nghĩa Marx. Với Marx, ý thức hệ có nghĩa là một hệ những đức tin làm trụ đỡ cho một phong cách sống cụ thể. Thông thường (chứ không phải luôn luôn) với Marx, ý thức hệ qui vào lối nghĩ ủng hộ một phong cách sống trung lưu (chẳng hạn, ý thức hệ tư sản). Ví dụ, ý thức hệ trung lưu ủng hộ giả định rằng các tay nghề với một tấm bằng đại học có quyền kiếm nhiều tiền hơn anh công nhân không có lấy một tấm bằng đại học, bất chấp thực tế rằng công việc của giai cấp công nhân đóng góp lợi ích cho xã hội hệt như công việc của giai cấp trung lưu. Cách sử dụng thuật ngữ diễn ngôn của Foucault hàm chứa một số tương đồng với thuật ngữ ý thức hệ của Marx bởi vì diễn ngôn có nghĩa là một mạng lưới ngôn ngữ, hoạt động, luật, đức tin, và đối tượng làm cho đời sống chúng trở nên có thể hiểu được. Tuy nhiên, ý thức hệ hướng đến đề xuất rằng nếu bạn là một thành viên của giai cấp trung lưu, thì phong cách sống của bạn sẽ được định hình bởi ý thức hệ đó. Foucault không thỏa mãn với lối nghĩ định mệnh có đặc trưng là khiến cho các sự kiện đời sống chúng ta dường như tất yếu như thế. Triết học Marx làm cho xung đột giai cấp như thể là tất yếu, còn Foucault sử dụng thuật ngữ “diễn ngôn” phần nào để thoát khỏi bất cứ một dính líu nào với tính tất yếu hoặc quyết định luận liên quan tới ý thức hệ Mác xít.
    Một phương diện khác của chủ nghĩa Marx mà Foucault phê bình là lý thuyết Mác xít về lịch sử. Trong Tuyên ngôn Cộng sản (1848) Karl Marx và đồng sự Friedrich Engels phác thảo một lý thuyết lịch sử ước định rằng giai cấp công nhân sẽ đi đến thống nhất và nổi dậy chống lại sự bóc lột. Do đó Marx và Engels thảo ra một loạt các giai đoạn mà xã hội tư bản chủ nghĩa đi qua, từ cách mạng đến nền chuyên chính của giai cấp vô sản, rồi đến một xã hội phi giai cấp. Lý thuyết Mác xít về lịch sử này dựa trên niềm tin rằng công nhân sẽ thực hiện vai trò đại diện (agency) là kháng thể chống lại thống trị. Tuy nhiên, Foucault phê bình tất cả những xác quyết của tất yếu lịch sử, do đó ông không chấp nhận những tiên liệu lịch sử Mác xít. Triết học Foucault thay thế các giả định về tính tất yếu và ý chí tự do bằng những khiêu khích để nghĩ khác đi. Bằng cách đó, đặc điểm đặt thành vấn đề phương pháp luận nghiên cứu lịch sử của Foucault đã phê bình và tách dời khỏi lý thuyết Mác xít về lịch sử.


    Cấu trúc luận: Ferdinand de Saussure và Claude Leví-Strauss


    Người ta không thể đi đến nhất chí cho việc xếp loại triết học Foucault theo phạm trù cấu trúc luận lẫn hậu cấu trúc luận. Cả hai trào lưu trí tuệ này đều là những thành phần trong ngữ cảnh triết học của tác phẩm Foucault. Foucault chịu tác động từ cấu trúc luận, và một số học giả về Foucault đã xếp tác phẩm thời kì đầu của ông (viết những năm 50, 60) vào triết học cấu trúc luận. Nhưng quan hệ của ông với cấu trúc luận – giống như mối quan hệ với tất cả những truyền thống trí tuệ lớn khác – là phức tạp. Để hiểu được cấu trúc luận liên can với  tác phẩm Foucault như thế nào, thì việc có đôi chút bối cảnh về bản thân cấu trúc luận cũng giúp ích. Người ta có thể tranh cãi về thời điểm cấu trúc luận thực sự bắt đầu, nhưng đều đi đến chấp nhận rằng Ferdinand de Saussure (nhà ngôn ngữ học) và Claude Lévi-Strauss (nhà nhân học) là hai người có đóng góp lớn cho sự phát triển cấu trúc luận từ sớm. Bởi họ đều là người nói tiếng Pháp, và ảnh hưởng lên tác phẩm của Foucault, nên chúng ta sẽ bắt đầu từ họ.
    Ferdinand Saussure (1857-1913) là nhà ngôn ngữ học người Thụy Sĩ nổi tiếng với việc phát triển một lý thuyết chính thức về ngôn ngữ học dưới dạng các kí hiệu, cái biểu đạt, và cái được biểu đạt. Saussure không nghiên cứu cách thức con người thực tế nói hoặc sử dụng ngôn ngữ. Đúng hơn, ông tập trung vào những khuôn mẫu nền móng của ngôn ngữ theo một nghĩa lý tưởng hoặc lý thuyết. Với Saussure, ngôn ngữ là hệ thống hai tầng hiện thực bao gồm kí hiệu và cái được biểu đạt. Điều quan trọng để hiểu được cấu trúc luận của Sassure là việc nó lý thuyết hóa một thớ lớp trừu tượng và vô hình của ngôn ngữ - ngôn ngữ (langue) – chia tách với lời nói thực tế mà chúng nghe trong đời sống thực – lời nói (parole). Thớ lớp trừu tượng và vô hình kia, ngôn ngữ (langue), là tiêu điểm của phân tích cấu trúc luận. Với các nhà cấu trúc luận, ngôn ngữ (langue) là một phần của ngôn ngữ mà có thể được nghiên cứu một cách khoa học. Langue có dạng tồn tại thuần túy. Parole, mặt khác, lại luôn luôn hỗn độn với các lỗi ngữ pháp, những câu không hoàn chỉnh, hiểu sai, từ sai, và các ý nghĩa rời rạc. Chúng xuất hiện khi con người sử dụng ngôn ngữ trong thực tế. Foucault phê bình cấu trúc luận. Ông chất vấn lý thuyết về thứ hiện thực hai tầng và đặt câu hỏi tại sao chúng ta xem thớ lớp trừu tượng, vô hình này là ngôn ngữ “thực”. Ông quan tâm trước hết đến việc tại sao các nhà ngôn ngữ học muốn phát minh ra một lý thuyết hai tầng về ngôn ngữ và mặt khác là các loại khả năng và giới hạn nào liên đới đến những đức tin trong lý thuyết này.
    Cấu trúc luận ngôn ngữ học của Saussure ảnh hưởng lên nhà nhân học người Pháp Claude Lévi-Strauss (sinh năm 1908). Lévi-Strauss gây ngạc nhiên khi ông lưu ý rằng các thần thoại trên khắp thế giới đều có chung những hình thái xác định; các thần thoại từ nhiều nền văn hóa khác nhau lại giống nhau theo những cách thức cơ bản nào đó. Dựa vào những tương đồng có thể nắm bắt này, ông đề xuất một lý thuyết hai tầng hiện thực dành cho thần thoại. Ông lý thuyết hóa rằng thần thoại (như ngôn ngữ) có khuôn mẫu nền móng, và khuôn mẫu nền móng này – cấu trúc – là cái làm cho chúng trở thành thần thoại. Trên cơ sở phân tích cấu trúc này, lý thuyết về thần thoại của ông tương tự với lý thuyết về ngôn ngữ của Saussure. Ở cả hai trường hợp, các lý thuyết đều dựa trên sự tồn tại của thứ thớ lớp vô hình mang tính lý thuyết và thuần túy; và ở cả hai trường hợp, thớ lớp vô hình này là nơi chốn mà cấu trúc có thể được mô tả và phân tích.
    Một số học giả nghĩ rằng những cuốn sách hồi đầu của Foucault (Chứng điên và Nền văn minh, Sự ra đời của phòng khám (the Clinic), và Trật tự của Vật) có tính cấu trúc luận. Họ biện luận rằng lý thuyết của Foucault có tính cấu trúc luận bởi vì, trong các cuốn sách đó, Foucault lý thuyết hóa rằng tồn tại những khuôn mẫu nền móng của sự giống nhau xuyên suốt các lĩnh vực môn ngành khác nhau (chẳng hạn lịch sử, khoa học, và ngôn ngữ học). Các cuốn sách của Foucault đưa ra các quan hệ liên ngành của y khoa, luật, và tôn giáo đang được thực hành cùng thời trong những giai đoạn cụ thể. Phân tích của ông đề xuất rằng có một khuôn mẫu nền móng gồm những tương đồng xuyên suốt các lĩnh vực môn ngành và những kiểu phân tích này giống như những phân tích của cấu trúc luận. Thêm vào đó các lý thuyết của Foucautl có chung với cấu trúc luận thái độ tin chắc rằng tư duy không thể tách khỏi ngôn ngữ (xem White 1973a, pp. 23-54). Do đó, trong chừng mực các phân tích lịch sử của Foucault thiết lập những khuôn mẫu nền móng xuyên suốt các lĩnh vực và phủ nhận việc tách ngôn ngữ khỏi tư duy, thì hướng tiếp cận lý thuyết của ông có thể được xem là mang tính cấu trúc luận.
    Cùng lúc ấy, có những nhân tố khác biện luận chống lại việc xếp loại tác phẩm của Foucault – ngay cả những cuốn sách thời đầu – là cấu trúc luận. Thứ nhất, Foucault luôn phủ nhận dứt khoát nhận định tác phẩm của ông là mang tính cấu trúc luận. Thêm vào đó, phân tích cấu trúc luận hướng đến truy tìm điểm giống nhau để tạo lập ra những khái quát hóa về sự thật có giá trị vượt thời gian. Nhưng Foucault không đề ra những khuôn mẫu để mà khái quát hóa sự thật; ông luôn luôn phê bình – có lẽ đôi khi còn trái ngược nhau nữa là đằng khác: Nếu có một đức tin phổ biến trong một khuôn mẫu nền móng, thì phân tích phê bình của Foucault sẽ có khuynh hướng truy tìm những điều không nhất quán; và nếu có một giả định hợp tình hợp lý về sự không nhất quán, thì Foucault sẽ nghi ngờ và truy tìm những nối kết. Lý thuyết của ông không vận hành để mà thiết lập những khái quát hóa, do vậy theo cách đó chúng chứa đựng một mục đích khác với cấu trúc luận. Cuối cùng tác phẩm Foucault khác biệt với cấu trúc luận bởi ông không bao giờ xử lý lớp cấu trúc nền móng như thể nó là thứ có thật. Saussure và Lévi-Strauss tập trung vào cấu trúc nền móng thuần túy (langue) với tư cách đối tượng thích đáng của phân tích trong ngôn ngữ học và nhân chủng học. Ngược lại, Foucault quan tâm nghiên cứu các thực tiễn trong thế giới này, và cách những lý thuyết thỏa mãn hoạt động thông thường hóa cái gì là có thể cho việc nghĩ và làm.
    Chúng ta có thể hiểu chủ nghĩa Marx là một kiểu cấu trúc luận. Giống như cấu trúc luận ngôn ngữ học, chủ nghĩa Marx ấn định một lớp tầng nền móng gồm các khuôn mẫu, cụ thể một hệ thống ý hệ (chẳng hạn, chủ nghĩa tư bản). Chủ nghĩa Marx lý thuyết hóa các quan hệ xã hội dưới dạng những khuôn mẫu nền móng này. Hệt như ngôn ngữ học cấu trúc phân tích các khuôn mẫu nền móng hay langue, chứ không phải thứ bề mặt hay parole, thì tương tự, phân tích Mác xít nghiên cứu các khuôn mẫu nền móng của xã hội (nền tảng), để giải thích xã hội (hiện tượng bề nổi) của đời sống hàng ngày. Giống như các nhà cấu trúc luận ngôn ngữ học, phân tích Mác xít tập trung vào những khuôn mẫu nền móng có qui luật.


    Hậu cấu trúc luận


    Cấu trúc luận là hướng tiếp cận lý thuyết khá rạch ròi, nhưng hậu cấu trúc luận thì không rạch ròi. Cách đơn giản nhất để định nghĩa hậu cấu trúc luận là mô tả nó như một hướng tiếp cận lý thuyết mà nối tiếp cấu trúc luận nhưng phủ nhận các tuyên bố chính yếu của cấu trúc luận. Điều làm hậu cấu trúc luận trở nên quá khó cho hoạt động định nghĩa một phần là việc có nhiều tuyên bố cấu trúc luận khác nhau, và cũng có nhiều con đường hậu cấu trúc luận khác nhau đi đến phủ nhận những tuyên bố đó. Foucault tập trung trước hết vào các giả định cấu trúc luận về mối quan hệ giữa sự thật và chủ thể tính (subjectivity). Hướng tiếp cận của ông là đặt thành vấn đề cả sự thật và chủ thể tính. Các phân tích hậu cấu trúc luận có thể không giống nhau bởi vì chúng nhắm đến những khía cạnh khác nhau của cấu trúc luận, và chúng theo đuổi những con đường triết học đa dạng xa rời cấu trúc luận.
    Tóm lại, có ba đặc điểm lớn của cấu trúc luận mà hậu cấu trúc luận phủ nhận:
    1. Lớp ý nghĩa nền móng có tính phi thời gian và phổ quát
    2. Trạng thái lưỡng phân của cấu trúc và đại diện (agency)
    3. Sự mạch lạc lý tính trong hình thức của các tuyên bố tổng quát hóa
    Các lý thuyết hậu cấu trúc có thể phủ nhận bất cứ hoặc cả ba đặc điểm này của cấu trúc luận.



     Ngô Thanh dịch

  2. 0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ