Rss Feed
  1. Đây là Lời tựa của Gabriel Rockhill, người dịch cuốn “The Politics of Aesthetics” [Chính trị của Mỹ học] của J. Rancière, trình bày quan niệm, nhìn nhận về bản thân sự dịch.



    Dịch thường bị phàn nàn như thể một dự phóng bất khả trong nét nghĩa về trạng thái vỡ mộng tự mãn. Khi không có tiêu chí khách quan nào cho việc đánh giá mối quan hệ giữa ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích, thì người ta vẫn thường tuyên bố rằng ngôn ngữ đích cơ bản vẫn ở trạng thái chưa được ngôn ngữ nguồn xác quyết. Tình huống này đã nảy sinh vô số những hồi đáp khả thể: sự lên án không thương tiếc tất cả hoạt động dịch, sự chấp nhận hăng hái quần thể các trò chơi ngôn ngữ độc lập, lối bình ổn giá xem dịch như là hình thức đơn nhất của hoạt động viết với những hình thức từ chương tương thích của chính nó, tán dương rìa vực chia tách ngôn ngữ thành một cơ hội thẩm mỹ – đạo đức để giới thiệu một kiểu Proust ngôn ngữ xa lạ trong ngôn ngữ…


    Các phản ứng khác nhau này chí ít đúng trên một khía cạnh: chúng từ chối những tiêu chí được cho là phổ quát về dịch do các đối thủ của chúng biện luận (thứ cấu trúc bề sâu của tất cả diễn ngôn hoặc ngôn ngữ thuần túy mà âm vang của nó có thể được nghe thấy trong những kẽ hở giữa các ngôn ngữ cá nhân). Tuy nhiên, chính sự phân cực giữa sự khả dịch phổ quát và sự bất khả rõ ràng của một hoạt động dịch trung thành với bản gốc – không kể đến thứ sân giữa được chiếm đóng một cách xảo trá bởi những người mà tuyên bố dịch là vừa khả thể lẫn bất khả – thực tế phụ thuộc vào những tiêu chí cụ thể cung cấp một khung khổ tổng thể cho việc nghĩ về dịch.

    Tiêu chí đầu tiên, nói một cách rộng ra, là mang tính lịch sử. Mạng lưới khái niệm xác định các yếu tố cơ sở và những thể thức của việc hiểu khái quát cái gì là dịch cần thiết phụ thuộc vào một tình huống lịch sử. Chính sự phân biệt giữa dịch và chuyển thể, chẳng hạn, hiển nhiên là không duy trì một hằng số lịch sử, và điều tương tự cũng có thể được nói đến trong mối quan hệ giữa bản văn gốc và đạo văn, sự sao chép và sửa lại, sự trung thành và không trung thành [1]. Thực tế, những phạm trù này có thể chỉ hoạt động trong lòng một logic chung của biểu nghĩa. Logic này trao ý nghĩa cho các phạm trù ấy bằng việc đặt định chúng vào một mạng lưới tương liên. Điều đó giải thích tại sao chúng không nhất thiết được phân phối theo các đối lập chúng xem ra rơi vào và cũng không tồn tại đơn giản như những phạm trù rỗng mà có nội dung được cung cấp qua mỗi một kỉ nguyên mới. Nói cho cô đọng hơn điểm này, thì chính ý nghĩa của “dịch” – và tất cả các phần tương ứng của nó – không thể bị chia tách khỏi tình huống lịch sử mà ở đó nó hoạt động.

    Tiêu chí chính thứ hai là tính xã hội. Để cho một hoạt động dịch được thừa nhận theo nghĩa đen và được cân nhắc tương xứng với cái tên này, nó phải trung thành với những tham số rộng lớn có hiệu lực trong một cộng đồng cụ thể. Những tham số này không nhất thiết áp đặt một phương pháp hay mẫu hình đơn nhất của dịch, mà chúng xác định những tọa độ chung ở đó dịch có thể được phân biệt với các chu trình diễn ngôn khác. Từng cộng đồng thiết lập một logic biểu nghĩa mà giả định trước một cách hiểu đặc thù về ý nghĩa thì là gì, nó hoạt động ra sao, những nguyên lý qui phạm nó nên trung thành, chức năng của nó trong diễn ngôn xã hội, vân..vân… Tất nhiên các cộng đồng đi đến xung đột – với nhau lẫn với các cộng động khác -, nhưng quan điểm cơ bản vẫn không đổi: cũng giống như việc người dịch chưa bao giờ làm việc trong một chân không lịch sử, thì dịch chưa bao giờ là một độc thoại biệt lập không được một cộng đồng biết đến. Tóm lại, dịch không dựa trên các tiêu chuẩn phổ quát cũng không bị ép phải va chạm đơn độc với cái gốc trơ cứng. Nó là một thực tiễn lịch sử luôn luôn diễn ra – hoàn toàn hoặc rõ ràng – trong lòng một khung khổ xã hội.

    Điều này có nghĩa rằng dịch, như tôi đề xuất hiểu nó dưới những cảnh huống hiện nay, không đơn giản là hình thức dàn xếp giữa hai ngôn ngữ riêng biệt. Nó là sự tái cấu hình ý nghĩa có tính tương liên thông qua một logic biểu nghĩa mà trở nên khả thể nhờ một tình huống lịch sử- xã hội. Thực tế quá trình này có thể diễn ra trong lòng chỉ một ngôn ngữ, điều tuy nhiên không có nghĩa rằng bản thân hoạt động hiểu là một hành vi dịch hoặc rằng chúng ta bị ép buộc liên tục diễn giải ý tưởng gốc của chúng ta. Một logic biểu nghĩa thay thế có thể thực sự sử dụng chính xác cùng từ ngữ để dự định cái gì đó hoàn toàn khác bởi vì nó xác định chính cấu trúc của ý nghĩa, tầm nhận thức về cái gì được hạn định như là ngôn ngữ, phương pháp tổ chức từ và câu, toàn bộ mạng lưới xác định tiến trình biểu nghĩa. Do đó, khi dịch xuất hiện giữa hai ngôn ngữ, logic tổng thể của biểu nghĩa thường quan trọng hơn là sự khác biệt giữa bản thân ngôn ngữ bởi vì nó xác định chính các giới hạn giữa hai ngôn ngữ này, cách ý nghĩa hoạt động trong từng ngôn ngữ, các quan hệ ngữ nghĩa cần được dung dưỡng và những quan hệ ngữ nghĩa có thể bỏ đi, vân..vân.

    Trước khi là một lựa chọn về từ ngữ nhất định, hành vi dịch là một lựa chọn liên quan đến logic biểu nghĩa mà những từ ngữ này thực hiện chức năng trong đó. Với trường hợp dịch hiện thời này, tôi đã lựa chọn không tán thành một trong các phương pháp dịch thống trị dành cho việc dịch các trí thức Pháp đương đại sang tiếng Anh. Đó là phương pháp kế thừa về mặt lịch sử một logic biểu nghĩa dựa trên địa vị thiêng liêng bất khả xâm phạm của văn bản gốc. Phương pháp này dẫn đến lối sử dụng mọi mánh lới in ấn và từ nguyên để chứng minh – với sự thành công không cần bàn cãi trong một số trường hợp – rằng dịch giữa hai ngôn ngữ khác nhau là không thể. Kết quả cuối cùng thường là một biệt ngữ thần thánh về tính xác thực mà các thầy tu cấp cao của điều chưa biết chiếm đoạt gian xảo hòng xây dựng lại cú pháp gốc đằng sau sự dịch này và tiết lộ điều chưa được nói trong điều đã nói. Do đó, bất kể thiên kiến ám ảnh của nó với sự không thể thấu hiểu văn bản gốc, mục đích cơ bản của phương pháp này có thể chỉ được mô tả dưới dạng một đường tiệm cận [asymptote] nơi trục tung sẽ là bản dạng nguyên văn giữa dịch và tác phẩm gốc (những hệ quả cơ bản đã được Pierre Menard của Borges diễn giải [2]).

    Hơn là nhắm đến việc phiên chuyển tác phẩm của Jacques Rancière thành một đặc ngữ cho người có kiến thức đặc biệt, bản dịch dưới đây được thực hiện trong lòng các tọa độ của một logic biểu nghĩa hoàn toàn khác. Đơn vị dịch sơ khởi không bắt đầu bằng bản in của một cá thể từ hay sự đồng dạng của một khái niệm cụ thể, mà là toàn bộ hệ thống biểu nghĩa tương liên đang vận hành. Nói một cách chặt chẽ, không có đơn vị dịch cơ sở nào cả bởi lẽ chỉ có các tương quan trong lòng và giữa các hệ thống biểu nghĩa. Điều này có nghĩa là việc từ bỏ cái được cho là chủ quyền tuyệt đối của cá thể văn bản và phương châm kiểu thần chú “chỉ mình kinh sách” [sola scriptura] để nhằm phân tích mạng lưới những tương liên trong đó tác phẩm của Rancière nổi lên. Cụ thể hơn, nó đòi hỏi việc nghiên cứu, bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh, toàn bộ cốt lõi của Rancière, những tham chiếu lịch sử cơ bản của ông (từ Plato và kinh Tân ước đến Balzac và Rossellini), và tác phẩm của những người đối thoại đương thời của ông. Mục đích của bản dịch hiện thời này do đó có lẽ được mô tả tốt nhất dưới dạng hoạt động cấu hình lại ý nghĩa có tính tương liên mà viết lại tác phẩm của Rancière trong một hệ thống biểu nghĩa thay thế. Sự cấu hình lại này khó tránh che đi những khía cạnh nhất định của tác phẩm của ông ở tiếng Pháp, nhưng hi vọng chỉ trong chừng mực nó đồng thời mở ra khả năng cho những phương diện khác, do đó, trở nên khả thị.

    Ngô Thanh dịch

    Chú thích:
    1. Việc nêu bật logic dịch đơn nhất có hiệu lực trong công việc này của cụm từ tiếng Pháp vẻ đẹp bội phản [belles infidèles] vào thế kỉ 17 vừa giá trị mà cũng không làm nhân bội thêm các ví dụ. Người ta tra lắp một cách trơ tráo tác phẩm cổ đại theo các qui phạm thi pháp của tác phẩm hiện đại và thường xuyên thay đổi cái được nhìn nhận là không tương xứng với tác phẩm gốc (bao gồm bất cứ thứ gì từ từ vựng và tu từ học cho đến cấu trúc cốt truyện và tổ chức, điều đôi khi bắt buộc những bỏ đi đáng kể). Đó là một nấm mồ nhưng tuy nhiên là sai lầm chung để áp đặt một mẫu hình mang tính mục đích luận lên lịch sử của dịch, coi nhẹ vẻ đẹp bội phản và tán dương sự ưu việt khoa học của thực tiễn dịch đương đại, thứ bắt đầu vào khoảng giai đoạn Lãng mạn. Logic biểu nghĩa vận hành trong các cộng đồng lịch sử cụ thể không thể nhanh chóng bị dịch thành một logic ý nghĩa vòm bao đơn nhất thường xác định bản chất dịch theo lối siêu-lịch sử. Tìm hiểu thêm về lịch sử của sự dịch, có thể xem tác phẩm của Antoine Berman, Henri Meschonnic, George Steiner, và Henri Van Hoof.


    2. Tôi đang không biện luận thiên về điều mà Schleiermacher qui chiếu đến như là một phương pháp dịch đưa tác giả đến với người đọc. Tôi đang tán thành theo lối thực dụng cách sử dụng một logic biểu nghĩa có tính tương liên trong một tình huống lịch sử-xã hội và với một kiểu diễn ngôn cụ thể.

  2. 0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ

Cùng đọc, nghe, xem và nghĩ